Lạnh dưới 10 độ C: Trẻ em nghỉ học là hợp lý
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:16, 28/01/2016
Có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo nên bỏ quy định này để thuận tiện trong việc đưa đón và chăm sóc học sinh mỗi khi khí lạnh tràn về ở miền Bắc.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ quy định này của Bộ Giáo dục - Đào tạo bởi quyền của trẻ em chính là được tôn trọng và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
- Thưa ông, mấy ngày vừa qua nhiệt độ của miền Bắc giảm xuống đột ngột từ 4-6 độ C, thậm chí có nơi đã có tuyết. Và theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì khi nhiệt độ dưới 10 độ C là học sinh mầm non và tiểu học được nghỉ. Ông có ý kiến gì về quy định này?
- Đối với hoàn cảnh và điều kiện ở nước ta, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định cứ thời tiết giảm xuống dưới 10 độ C thì học sinh tiểu học, mầm non được nghỉ, tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này. Phụ huynh hãy ngừng so sánh giữa tỉnh này và tỉnh khác, giữa nước này với nước khác để có thể đưa ra các ý kiến cụ thể. Tôi rất phê phán các ông bố, bà mẹ trên các mạng xã hội đã “chém gió” về việc dưới 10 độ C thì trẻ em vẫn đi học. Đừng vì sự khó khăn của người lớn mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của các trẻ em là chính con em mình như vậy.
Quy định đề ra cho đại đa số học sinh trên cả nước, dựa trên môi trường, nhiệt độ, điều kiện cơ sở vật chất để có các quy tắc. Chúng ta để ý, Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đưa ra những quy định nhưng không hề đưa vào chế tài, pháp lệnh một cách bắt buộc bởi lẽ có những trường đáp ứng được cơ sở vật chất, điều kiện cho học sinh học trong những ngày giá rét thì họ vẫn được tổ chức các lớp học như bình thường, Bộ Giáo dục - Đào tạo không hề cấm. Còn đối với số đông những trường không đủ điều kiện, cơ sở học tập thì việc cho trẻ em nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ C là hoàn toàn hợp lý.
- Nhưng trên thực tế, con trẻ được nghỉ học, còn bố mẹ vẫn đi làm và có rất nhiều gia đình “hỗn loạn” vì quy định này do không biết cắt cử ai ở nhà trông nom các cháu.
- Nhưng nếu so sánh với các nước trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, thì được biết thậm chí thời tiết đến âm 2 độ C thì học sinh vẫn đi học bình thường, thâm chí còn mặc quần đùi đi học để tăng sức đề kháng?
- Tôi cũng nghe rất nhiều phụ huynh so sánh cái lý thuyết nước ngoài với nước ta nhưng không ai chú ý tới thực tế cả. Về thực tế, ở nước ngoài người ta có những điều kiện bảo vệ cho trẻ em từ trong nhà cho đến lúc lên ô tô đến trường rồi ở trong trường cho đến khi học sinh về tới nhà. Tại đó, khí hậu và các cơ sở vật chất đã được đáp ứng một cách đầy đủ từ lọc không khí cho đến máy sưởi…
Tại các nước tân tiến, họ huấn luyện cho trẻ em từ bé thích nghi hoàn toàn với môi trường lạnh đến nóng. Thậm chí mới sinh con ra họ đã cho con tập bơi, tự bơi chứ không hề bao bọc kỹ lưỡng như Việt Nam. Còn tại Việt Nam thực tế thì sao? Cơ sở vật chất tại hầu hết các trường đều không cao, thậm chí có trường cửa sổ để thông thống, gió lạnh tràn vào. Qua mấy ngày rét vừa qua, có rất nhiều trẻ em bị lạnh, đi cấp cứu, thậm chí có cả những trường hợp chết rất thương tâm cả người già lẫn trẻ nhỏ.
Tôi đã từng là bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương và hiện bạn bè tôi ở Bệnh viện Nhi cũng thông tin tới chúng tôi là mấy ngày qua, số lượng trẻ em nhập viện do viêm phổi, ho, phế quản, sốt, các bệnh về đường hô hấp tăng lên 2,5 lần so với các ngày thường. Vậy phụ huynh có biết là do đâu? Có hỏi là do đâu không? Chắc chắn do thời tiết giá rét và độc hại. Vây thì tại sao lại khuyến khích con mình ra đường trong khi thời tiết giảm sâu đến mức người lớn còn hạn chế ra đường?
Còn về câu chuyện “ra đường để trẻ em tăng sức đề kháng” là hoàn toàn sai lệch. Bao giờ nước ta đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo, có máy sưởi, có xe đưa đón học sinh, môi trường đủ độ trong sạch, lành mạnh không khí cho trẻ em khi giao tiếp xã hội ngoài trời thì lúc đó chúng ta hãy ủng hộ việc thời tiết dưới 10 độ C thì các trẻ em mầm non, tiểu học nên đi học.
-Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Minh Khuê