Tổng thống Brazil muốn kiểm soát chặt quân đội sau vụ bạo loạn 'hậu bầu cử'

Chuyển động - Ngày đăng : 13:03, 12/03/2023

Từ sau vụ bạo loạn "hậu bầu cử" tổng thống Brazil hôm 8.1.2023, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã nỗ lực kiểm soát quân đội trước lo sợ đảo chính.

Theo AP ngày 11.3, việc Tổng thống Lula muốn kềm cương quân đội là vì ông ám ảnh chuyện quân nhân bảo vệ dinh tổng thống vào ngày 8.1.2023 đã làm ngơ cho phe cực hữu tràn vào đập phá dinh thự. Hành vi bạo loạn này nhằm phản đối kết quả bầu cử tổng thống hồi tháng 10.2022 với chiến thắng thuộc về ông Lula.

lula-5.jpeg
Người biểu tình tràn vào dinh tổng thống ngày 8.1 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Mỹ còn nêu rằng, nỗ lực kềm cương quân đội của ông Lula sẽ rất nguy hiểm, vì trong lực lượng này có nhiều người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro và hiện vai trò của quân đội trong chính phủ cánh tả của ông Lula đã bị giảm nhiều.

Ông Lula đã cắt cử hơn 100 công chức dân sự nắm các vị trí chủ chốt từng thuộc về các sĩ quan do ông Bolsonaro chỉ định, nhất là việc bổ nhiệm tướng Tomas Paiva làm Tổng tư lệnh quân đội.

Vị tướng 62 tuổi này đã hứa sẽ không để quân đội can thiệp vào chính trị và tôn trọng kết quả bầu cử tổng thống trước đó.

Tuy nhiên, tướng Paiva cũng thừa nhận, nhiều chỉ huy quân đội bỏ phiếu cho ông Bolsonaro, và chỉ 3 ngày trước khi ông được Tổng thống Lula thăng chức Tổng tư lệnh, ông đã có lời lẽ với các cấp dưới mang ý ông không hài lòng chiến thắng của ông Lula.

Sau này, ông Paiva bào chữa rằng những bình luận của ông về kết quả bầu cử đã bị "hiểu sai".

lula-1.jpeg
Tổng thống Lula - Ảnh:AP 

Tổng thống Lula còn thực hiện nhiều động thái nhằm tránh xảy ra một cuộc nổi dậy bạo lực khác, ít ra là có sự ủng hộ ngầm của một số sĩ quan quân đội. Ví dụ như, ông không đồng ý bổ nhiệm một người trung thành với ông Bolsonaro vào chức chỉ huy tiểu đoàn Goiania vốn có căn cứ không xa thủ đô Brasilia; giao Văn phòng chính phủ (gồm những công chức dân sự) quản lý cơ quan tình báo quốc gia (vốn do quân đội quản lý trước đây); thực hiện một chuyến thăm Mỹ - nơi mà trước cuộc bầu cử, ông từng cảnh báo các chỉ huy quân sự Brazil nên tránh xa khỏi chính trị nếu như họ muốn mua vũ khí Mỹ và hợp tác với quân đội Mỹ.

Không có dấu hiệu quân đội sẽ đảo chính lật đổ Tổng thống Lula

“Lula cần quản lý mối quan hệ của ông ấy với quân đội để có thể điều hành đất nước Brazil, và ông ấy sẽ tiếp tục công việc này”, Carlos Melo, một giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Insper ở thành phố Sao Paulo (Brazil) nhận định.

Ông Melo nói thêm rằng, từ lâu quân đội Brazil tin rằng họ có “nghĩa vụ canh gác tiến trình chính trị của đất nước”, và ông Bolsonaro đã cố gắng thúc đẩy niềm tin đó.

Hiện tại, không có dấu hiệu gì cho thấy quân đội đang lên kế hoạch nổi dậy và cũng không có việc các chỉ huy quân sự thắc mắc về những quyết định của Tổng thống Lula, theo một sĩ quan cấp cao và một người làm việc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Brazil giấu tên nói với AP.

Nhưng rủi ro đảo chính rất có thực, Brazil từng trải qua 4 cuộc đảo chính do quân đội thực hiện, gần nhất là vào năm 1964 và tiếp sau đó, nước này trải qua 20 năm sống dưới chế độ độc tài quân sự bạo tàn.

lula-4.jpeg
Tổng thống Jair Bolsonaro dự lễ kỷ niệm Ngày Quân đội hôm 19.4.2022 - Ảnh: AP

Ông Bolsonaro từng là đại úy, khi làm Tổng thống Brazil đã chỉ định hơn 6.000 sĩ quan quân đội nắm giữ các vị trí trong chính phủ, và ông còn phục hồi Ngày Quân đội, một dịp lễ tổ chức ngày 19.4 hàng năm để kỷ niệm cuộc đảo chính quân sự năm 1964, nhằm nhắc nhở thời quân đội cầm quyền.

Dù đó là một giai đoạn bạo tàn, chính quyền quân sự ngược đãi nhân quyền và triệt tiêu các quyền tự do dân chủ, ông Bolsonaro và nhiều người ủng hộ lại ca ngợi đó là một thời đáng để dân tộc tự hào, kinh tế tăng trưởng và sự thăng hoa của những giá trị bảo thủ.

Người ủng hộ còn phàn nàn những nỗ lực kềm cương quân đội của Tổng thống Lula - người đã hủy bỏ Ngày Quân đội - là nặng tay và “bị xúi ẩu”.

“Tổng thống nên ngưng nhìn vào kính chiếu hậu để điều hành vì toàn thể dân tộc Brazil”, tướng Hamilton Mourao, cựu phó tổng thống của ông Bolsonaro và đang là một thượng nghị sĩ cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Quân đội Brazil sẽ kỷ luật quân nhân tham gia bạo loạn?

Tổng thống Lula đã có hai lần tranh thủ hợp tác với quân đội Brazil trong tháng 2.2023: mở một chiến dịch trục xuất 20.000 thợ mỏ trái phép khỏi khu đất của người bản địa Yanomami trong rừng Amazon và giải cứu những người dân sau những vụ trượt đất ở gần vùng bờ biển Sao Paulo.

Hai cuộc hợp tác làm việc này là bài thuốc thử sớm cho quan hệ giữa ông Lula với quân đội và kết quả rất tích cực, theo nhà tư vấn chính trị Thomas Traumann. Nhưng ông nói thêm rằng, không có gì bảo đảm cho một quan hệ hợp tác ổn định và lâu dài.

lula-3.jpeg
Quân đội và nhân viên tình nguyện cứu nạn nhân bị lở đất hồi tháng 2 - Ảnh: AP

Vẫn còn phải chờ xem liệu các cựu quân nhân và binh lính đang tại ngũ - những người từng "nhắm mắt làm ngơ" hoặc tham gia cuộc bạo loạn ngày 8.1.2023 - có bị kỷ luật hay không.

Trong cuộc bạo loạn ấy, người ủng hộ Tổng thống Bolsonaro đã xông vào dinh tổng thống Planalto để phản đối kết quả và đối mặt với cảnh sát trong khi nhiều quân nhân đứng yên, và những thành phần cực hữu đập phá các cửa sổ, đại tiện trong các văn phòng và phá hủy những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Hàng trăm người dân tham gia nổi loạn sau đó đã bị bắt, hàng chục người đã bị kết án tù, nhưng các quân nhân tham gia hoặc làm ngơ thì không bị kỷ luật.

Một số nhà phân tích nói việc quân nhân tham gia nên bị trừng phạt là cần thiết nhằm ngăn ngừa bạo loạn tái diễn. Cựu phó tổng thống Mourao của ông Bolsonaro cũng đề nghị kỷ luật các quân nhân tham gia bạo loạn.

Ông nói: “Quân đội được quy định phải nghiêm túc trong việc điều tra các vi phạm kỷ luật và các vụ quân đội phạm pháp”.

lula-2.jpeg
Người ủng hộ ông Bolsonaro trong dinh tổng thống - Ảnh: AP

“Tổng thống Lula bây giờ rất nghi kỵ quân đội”

Ngay từ trước khi nhậm chức tổng thống Brazil hồi tháng 1.2023, ông Lula đã biết, ông cần tăng cường quan hệ hợp tác với quân đội vốn nghiêng về cánh hữu.

Một số chỉ huy quân sự, cựu tổng thống Brazil đã công khai việc không bỏ phiếu cho ông Lula, thậm chí vận động để ông Bolsonaro tái trúng cử.

Suốt nhiều tháng, quân đội đã cho phép những người phản đối ông Lula và công khai ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ ông - được cắm trại bên ngoài các căn cứ của họ.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Lula (từ năm 2003 đến 2010), quan hệ giữa ông và quân đội được ghi nhận mang tính hòa giải hơn là đối đầu, theo Fabio Victor, một nhà báo từng in một sách bán chạy nói về chính trị và quân đội Brazil.

Nhưng vụ bạo loạn ngày 8.1 xem ra đã làm thay đổi nhận định của nhà báo này. Ông nói: “Lula ngày nay rất nghi kỵ quân đội” và còn nói thêm rằng, khác với thời tổng thống Bolsonaro, hiện chỉ có một ít quân nhân bảo vệ dinh tổng thống.  

Bên cạnh đó, các đồng minh của ông Lula ở Quốc hội Brazil đang thúc đẩy sửa đổi hiến pháp nhằm xác định rõ vai trò, quyền lực của quân đội cùng những hạn chế áp dụng đối với lực lượng này. Ngoài ra, các bộ trưởng trong chính phủ Tổng thống Lula cũng muốn cải tổ công tác giáo dục quân sự.

Bảo Vĩnh