Nói Việt Nam chuẩn bị ghép đầu người vào năm 2017 là không đúng
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 11:44, 14/01/2016
Ngay sau khi có thông tin vào năm 2017 trên thế giới sẽ có ca ghép đầu người đầu tiên, nếu thành công đây sẽ là cơ hội cho những người bệnh ở Việt Nam đang ao ước được ghép đầu để sống như người bình thường.
Theo tường thuật của một số báo, trong một buổi trao đổi với báo chí, GS-TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết hiện nay, Việt Nam đã chuẩn bị những người có đầu minh mẫn nhưng bị bệnh teo cơ, liệt để ghép với thân hình của những người bị chết não. Nếu người bệnh có nhu cầu, trung tâm sẽ mời ê kíp ghép đầu từ nước ngoài sang ghép tại Việt Nam từ năm 2017.
Dư luận cho rằng thông tin này chưa đúng với khoa học và thực tế. Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS-TS Trịnh Hồng Sơn cho hay: Năm 2017, trên thế giới mới thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên, để chứng minh được sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật y học. Còn nói Việt Nam chuẩn bị ghép đầu người vào năm 2017 là không đúng. Nếu ca ghép người đầu tiên trên thế giới thành công, nếu người bệnh tại Việt Nam có nhu cầu, chúng tôi mới mời ê kíp ghép đầu từ nước ngoài đó sang Việt Nam để giới thiệu kỹ thuật phức tạp này. Nó có thể là năm 2017 hay 2018 hay bao nhiêu lâu là tùy thuộc nhu cầu của người bệnh cũng như sự chuẩn bị kỹ càng từ máy móc, thiết bị y tế cũng như nhân lực cho ca ghép phức tạp hàng đầu này.
"Bên cạnh đấy, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi, năm nay là năm 2016, vậy là chỉ còn 1 năm nữa là thực hiện. Vậy chúng ta đã chuẩn bị tinh thần cho việc ghép đầu người chưa? Gia đình người cho và cả người nhận đã chuẩn bị tâm lý và tinh thần chưa? Vì ghép đầu người không như ghép thận, ghép tim hay là ghép các bộ phận nội tạng nữa mà liên quan trực tiếp đến sinh mạng thì cần phải thực hiện qua nhiều vấn đề về pháp lý cũng như tâm lý của chính gia đình" - GS Sơn lý giải.
GS Trịnh Hồng Sơn cũng chia sẻ hiện nay đã có danh sách những người mong muốn được ghép đầu tại Việt Nam, đó cũng là một số liệu tốt, nhưng thực hiện được thì cần có một quá trình dài. Còn thông tin do một số báo cung cấp đến độc giả chưa đúng thì báo ấy chịu trách nhiệm, tôi sẵn sàng đối chất thông tin với tất cả mọi người”, GS Sơn nhấn mạnh.
Ghép đầu là một tiến bộ vượt bậc của y học thế giới. Về mặt quy luật, tất cả ghép tạng đều rất khó khăn. Ngày trước, không ai nghĩ được là có thể ghép được tạng người vào cơ thể người bệnh, nhưng hiện nay đã ghép được gan, thận, phổi, tim… Tuy nhiên, không phải ca phẫu thuật nào cũng thành công, đặc biệt những ca phẫu thuật ban đầu thường rất khó khăn. Ở Mỹ, sau 5 năm thử nghiệm, đã ghép gan thành công vào năm 1967 còn thử nghiệm từ năm 1963.
GS-TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
GS Sơn cho biết thêm, hiện nay ở Việt Nam đã ghép thận rất tốt, ghép cả lá gan của người cho chết não đã tốt. Nhưng ghép của người sống, chia lá gan ra làm hai để ghép thì Việt Nam chưa ghép được. Ví dụ, ở Việt Nam có một ca người chết não hiến gan để ghép cho hai người thì chưa thành công ở ca phẫu thuật này. Ngay cả việc ghép phổi năm 2017, Việt Nam mới được thực hiện thì việc ghép đầu người từ năm 2017 là gần như không thể bởi những vấn đề pháp lý, nhân lực, tâm lý, những ý kiến của các bác sĩ, các chuyên gia cũng cần được đưa ra để thảo luận để cuộc phẫu thuật được tiến hành.
Hiện tại Việt Nam chưa chuẩn bị kế hoạch ghép đầu người nhưng đã sẵn sàng tuyển chọn người cho và người nhận đầu, nhân lực và kỹ thuật để lập đề án về ghép đầu người khi có yêu cầu. Vì sau khi phẫu thuật, viêc hồi phục dẫn truyền của não bộ khá quan trọng. Có thể cắt đầu, bơm ô xy, cung cấp máu giàu ô xy để nuôi não nhưng các dẫn truyền về các trung khu của não qua các tủy sống liệu có chính xác đến các cơ quan bộ phận của thân người khác hay không? Đây là điều không đơn giản và cần có sự nghiên cứu sâu hơn nữa về mặt kỹ thuật.
Minh Khuê