An Giang: Theo chân giới văn phòng ‘săn’ tôm, câu cá trên sông Hậu
Văn hóa - Ngày đăng : 15:38, 12/03/2023
Câu cá... để "trốn nhậu"
Trưa Chủ nhật (12.3), thời tiết khá oi bức. Tôi thuê một chiếc ghe chạy đến khu Cồn Phó Ba, TP.Long Xuyên, An Giang. Đến cồn, tấp vào một quán nước nho nhỏ và hỏi thăm về việc đi câu, chị Sương - chủ quán cho biết, chị mở quán nước ở đây lâu rồi, chủ yếu là phục vụ cho những người câu cá.
Trước đây, cứ vào dịp cuối tuần mới có khách tới câu nhưng bây giờ thì chẳng kể. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng có khách tới câu với đủ mọi lứa tuổi, chị Sương chia sẻ.
Chỉ tay về một vị “khách ruột”, chị Sương nói, anh Nguyễn Bình (ngụ phường Mỹ Phước, TP.long Xuyên) là tay câu “sát” cá lắm.
Tôi đi nhẹ đến nơi anh Bình đang câu, đúng lúc anh giật chiếc cần câu đầy điệu nghệ và rất nhanh sau đó, trên tay anh một con cá hô khá lớn đang vùng vẫy, bất lực.
Anh Bình phấn khích vừa gỡ cá vừa chia sẻ, bản thân anh làm công chức nhà nước nên tranh thủ nghỉ hai ngày cuối tuần, anh dành khoảng thời gian rảnh rỗi này để đi câu.
Giờ thì có nhiều nơi để câu lắm, nhưng anh quen với chỗ câu này rồi. Ra đây ngồi câu, lúc ngồi chờ “là lúc tôi yên tĩnh nhớ lại chuyện ngày xưa khi còn bé. Ngày đó, cha tôi cũng hay đi câu lắm. Nhưng các cụ ngày xưa đi câu nặng về áp lực câu cá làm thực phẩm cải thiện bữa ăn, còn bây giờ người ta đi câu chủ yếu để giải trí".
Cũng theo anh Bình, việc đi câu chủ yếu là để thư giãn. Tuy vậy, anh cũng có ít nhiều kinh nghiệm câu cá.
“Muốn câu được cá thì có nhiều yếu tố cần phải lưu ý nào là thời tiết, thời điểm, dòng chảy… như vậy vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát, đặc biệt là sau cơn mưa, trời hửng sáng, không khí mát mẻ là thời điểm tốt nhất để câu được nhiều cá.
Nếu câu cá ở sông thì người câu chọn ngày nước kém, nếu câu ở ao, hồ thì chọn ngày nước lớn sẽ có cá to. Ngoài ra, các yếu tố khác như cần câu, lưỡi câu, phao câu, tập tính ăn mồi của cá, hay mồi câu cũng rất quan trọng”, anh Bình chia sẻ.
Cách chỗ anh Bình ngồi không xa là anh Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ phường Bình Khánh). Anh Hùng cho biết đang làm việc cho một công ty xây dựng tại TP.Long Xuyên.
Công việc căng thẳng, bận rộn với hàng loạt nỗi lo. Vậy nên, cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả và lành mạnh nhất mà anh Hùng chọn là đi câu vào dịp cuối tuần. "Đi câu chủ yếu là để trốn… nhậu với đám bạn thôi", anh Hùng vui vẻ cho biết.
“Đi câu chẳng ảnh hưởng đến ai, chẳng hại sức khỏe mà tinh thần lại thoải mái. Ngồi trên bờ nhìn mênh mông trời - nước, chờ cá đớp mồi thấy lòng mình thanh thản. Mỗi lần câu đều có cảm xúc, nhất là lúc cá cắn câu, nhưng nhiều hôm ngồi cả buổi chẳng có con nào nhưng vẫn thấy vui”, anh Hùng hóm hỉnh nói.
Cũng theo lời anh Hùng, kỹ năng đầu tiên của một người đi câu đó là phải có phản xạ tốt. Ai cũng biết, khi cá đớp mồi thì cần câu rung nhưng nếu không có kỹ năng thì chỉ có mất mồi.
Những người câu cá "nghiệp dư" như anh Hùng hay anh Bình chỉ mang một chiếc cần ra sông gọi là hóng mát, còn với những người chuyên nghiệp hơn thì xách từ 5-10 cần đủ loại để câu.
Tương tự, anh Hồ Sang, còn gọi Tư Sang (38 tuổi), được xem là “lính mới” trong nghề câu. Nhà ở huyện Châu Thành nên cuối tuần Tư Sang xách cần xuống Long Xuyên để "buông câu" giải trí.
Tư Sang cho biết: “Hơn hai năm trước, nhóm bạn rủ rê đi câu cá nhưng chủ yếu dính cá làm mồi để nhậu. Thế rồi không biết sao lần lần ghiền câu luôn. Bây giờ cứ những ngày cuối tuần tôi xách cần đi câu suốt, đến nỗi bà xã tôi cứ càm ràm "ông mê câu hơn mê vợ"'.
Kinh nghiệm 'săn' tôm càng xanh trên sông Hậu
Người viết bài có dịp đi theo anh Quách Vân, cũng là một nhân viên văn phòng có sở thích đi câu. Tuy nhiên, anh Vân không chọn đi câu cá như nhiều người, anh đi "săn" tôm càng xanh. Anh Vân cho biết, đây là cách giải trí cuối tuần của anh và một số bạn bè.
Công việc đi câu tôm của anh Vân và nhóm bạn bắt đầu từ lúc trời chưa hửng nắng. Mỗi người một chiếc xuồng với hàng chục mồi câu thủ sẵn trong bao và khởi hành một cách lặng lẽ.
“Không phải khúc sông nào cũng có thể buông dây mà phải lựa những đoạn nước sâu, nhiều hốc đá… Thả câu lúc nước yên, sóng lặng là thích hợp nhất. Sau đó, khoảng tiếng đồng hồ đi thăm câu một lần. Nếu gặp đúng con nước, tôm vào vụ thì chừng 30 phút là có thể cất dây”, anh Vân nói.
Cũng theo anh Vân, nhiều người câu tôm bằng cần, nhưng riêng anh thì thường kết lưỡi câu lại với nhau trên sợi dây dù dài. Mỗi lưỡi được thả cách nhau chừng 2m và lưỡi câu tôm không cần mài nhọn, không sắc lẹm như lưỡi câu cá. Mồi câu cũng khá đá dạng, nhưng phổ biến nhất là trùn nước, tép sông.
Khi đến đoạn sông có tôm, nhóm của anh Vân bắt đầu thả những lưỡi câu đã đặt trên thành chiếc ghe nhỏ xuống sông.
Với anh Vân, câu tôm lắm lúc cũng “hên xui” nên khi câu cũng hồi hộp không kém. Có khi chờ cả mấy lượt câu mới bắt được vài con, chẳng đủ bù công sức bỏ ra.
Là người có kinh nghiệm câu tôm nên chỉ cần cầm sợi dây dù kéo nhè nhẹ là anh Vân có thể biết con tôm cắn câu thuộc tôm "nhất" hay tôm "nhị".
Sở dĩ phải gọi tên như vậy vì đây là cách phân loại tôm. Tôm "nhất" càng phải dài, xanh bóng, to, còn tôm "nhị" tức là tôm loại 2 không to bằng. Dù phải chờ đợi suốt mấy tiếng đồng hồ nhưng anh cho biết, cảm giác thích thú là khi câu lên được tôm càng loại lớn.
Anh Vân tâm sự, “săn” tôm càng xanh trên sông không phải dễ dàng. Tiếc nhất là lúc tưởng chừng đã “tóm” được con tôm to nhưng nếu không nhanh, tôm sẽ búng mạnh và nhảy xuống nước.
“Tôm là loài chuyên búng ngược nên rất khó dính câu. Nếu câu bằng cần, ngay khi thả mồi xuống nước, tôm sẽ tới cắn mồi tha đi. Chúng thường kiếm chỗ “đậu” rồi mới ăn, khi tôm tha mồi làm phao và cần giật nhẹ. Người câu chỉ cần lôi nhẹ lên chứ không giật mạnh như câu cá là bắt được”, anh Vân chia sẻ kinh nghiệm.