Ồ ạt trồng sầu riêng kiếm lời: Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:00, 12/03/2023

Gần đây, nhiều hộ dân bỏ lúa, phá hồ tiêu, cà phê để đổ xô trồng sầu riêng. Việc phát triển "nóng" loại cây này đang dẫn tới những mối lo ngại ảnh hưởng tới chất lượng, giá thành sản phẩm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá sầu riêng tăng cao liên tục (trên 100.000 đồng/kg), có lúc đỉnh điểm lên hơn 200.000 đồng/kg. Với lợi nhuận hấp dẫn từ loại cây này, vài tháng nay, nhiều nông dân đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích lớn.

333227444_231820169293470_7611873348371770351_n.jpg

Hiện nay, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng đang được phát triển "nóng", mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Có nơi phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn để trồng xen sầu riêng, chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng...

Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng đến 137% so với năm 2021. Hiện nay, sầu riêng tại các tỉnh miền Tây đang lên cơn sốt khi giá tăng gấp 3 lần năm ngoái.

Có thể nói, thời gian gần đây, cây sầu riêng phát triển "nóng" một phần là do loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11.7.2022, giá loại trái này luôn duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá sầu riêng lên "cơn sốt" khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg - mức giá chưa từng có của sầu riêng từ trước cho đến nay.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các hộ nông dân thường có xu hướng phát triển nóng các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trồng diện tích nhỏ thì hiệu quả cao, còn sản xuất ồ ạt thì lại thua lỗ lớn.

Ví dụ như: thanh long, hồ tiêu, cam sành... khi nhu cầu tiêu thụ lớn thì giá thành cao, người nông dân có lãi. Ngược lại, thấy có lãi nên người dân ồ ạt trồng thì nguồn cung lớn, giá thành lại giảm mạnh khiến nông dân thua lỗ. Việc phát triển "nóng" các loại nông sản có thể gây ảnh hưởng tới môi trường, chất lượng, giá thành sản phẩm.

335440025_519056600385464_8051854782933278488_n.jpg

Theo đó, ông Cường cho rằng, người dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, cần phải tập trung phát triển cây ăn quả ở những vùng có lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến hiệu quả, tổ chức lại sản xuất, liên kết để làm sao phát triển cây trồng bền vững hơn.

Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một lợi thế cho sự phát triển của giống cây trồng này. Điều này làm gia tăng giá trị của quả sầu riêng khi hiện nay thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mà còn có Thái Lan, Malaysia, Philippines... Có thể thấy, tỷ lệ cạnh tranh tại thị trường này rất khốc liệt.

Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, ông Cường khuyến nghị các địa phương, hộ trồng từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như: cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ. Nghiêm trọng hơn, tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Dưới góc độ tiêu thụ, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lại cho rằng trái sầu riêng năm nay sẽ trở thành loại trái cây xuất khẩu chủ lực, đứng đầu trong ngành hàng rau quả và có thể mang về kim ngạch ít nhất là 1 tỉ USD, trong đó, thị trường chính yếu nhất là Trung Quốc. Vì vậy, đầu ra của sầu riêng sẽ rất lớn.

Ông Nguyên cho rằng, việc tăng sản lượng sầu riêng hiện nay là cần thiết nhưng việc trồng trọt nên chọn thổ nhưỡng phù hợp, giống tốt để năng suất thu hoạch được cao, chất lượng tốt, như vậy giá thành sản phẩm mới cao. Điều này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo đó, cơ quan quản lý cần có khuyến cáo cụ thể hơn về những vùng không thích hợp trồng sầu riêng, vùng nào vài năm nữa có thể ảnh hưởng hạn mặn và cả những vùng nào nên khuyến khích trồng sầu riêng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tình trạng bị động. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân phải thay đổi phương thức kinh doanh, sản xuất để giữ được thị trường bền vững.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, nếu Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, mã số cơ sở đóng gói cho Việt Nam nhiều như Thái Lan thì có thể sầu riêng Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong một sớm một chiều. Hơn nữa, sầu riêng còn là loại trái mà người Trung Quốc ưa chuộng nhưng đến nay nước này vẫn chưa trồng được như một số loại cây ăn trái khác là chuối, thanh long, xoài... chính vì vậy, triển vọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam với kim ngạch tỉ đô/năm vào thị trường lớn như Trung Quốc trong các năm tới là hoàn toàn khả thi.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung