Bệnh thủy đậu, sởi, cúm vào mùa: Các chuyên gia khuyến cáo
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:25, 13/03/2023
Theo Sở Y tế Hà Nội, thời gian Hà Nội qua ghi nhận rải rác các ca bệnh như thủy đậu, sởi, cúm..., đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các bệnh nhi đến khám chủ yếu đều có những triệu chứng như sốt, ho có đờm, khó thở...
Đáng chú ý là vừa qua ở huyện Chương Mỹ ghi nhận một ổ bệnh thủy đậu ở Trường tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ bệnh tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.
Hiện nay miền Bắc đang giai đoạn mùa đông-xuân với nền nhiệt độ thay đổi thất thường và độ ẩm cao, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian này cũng là mùa lây lan các bệnh sởi, thủy đậu. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh.
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, để phòng tránh các bệnh cúm, sởi, thủy đậu, ngoài việc tiêm phòng vắc xin, các gia đình cũng nên chú ý giữ gìn vệ sinh cho con em, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hằng ngày cho trẻ. Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tuy nhiên không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.
Trong thời điểm này, tại Bệnh viện Nhi trung ương lượng bệnh nhân vào khám tăng nhẹ, đặc biệt các trẻ em có cùng triệu chứng như ho, sốt cao, mệt mỏi hoặc nôn ói. Nhiều trẻ ban đầu nhiễm cúm A nhưng biến chứng thành viêm phế quản, phổi phải nhập viện theo dõi, điều trị. Cũng có nhiều trẻ nhập viện do nghi ngờ mắc bệnh sởi, thủy đậu...
Theo BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 3.500 bệnh nhi/ngày. Bệnh nhi đến khám chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa... Cùng thời điểm này năm ngoái, không ghi nhận ca mắc thủy đậu nào, còn năm nay đã có 24 bệnh nhân khám và điều trị. Trong đó, có một số ca bội nhiễm mụn mủ nhiều, biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng.
Điển hình là trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi ở H.Gia Lâm nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực, kém ăn. Bệnh nhi được chẩn đoán thủy đậu biến chứng viêm phế quản phổi, kèm theo bội nhiễm tại các nốt phỏng thủy đậu và phải điều trị kéo dài gần 2 tuần.
Các bác sĩ khuyến cáo thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh thủy đậu, sởi, cúm... phát triển và lây lan. Đặc biệt là bệnh thủy đậu thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng nề, gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan.
"Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc", TS Lâm khuyến cáo thêm.
Hiện nay, nhiều người quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu. Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và để lại sẹo.