Vì sao có danh xưng Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cho 3 người đỗ đầu?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:08, 13/03/2023

Tại sao lại gọi người đỗ đầu là Trạng nguyên, người thứ hai là Bảng nhãn còn người thứ ba là Thám hoa, đồng thời ý nghĩa của những từ này là gì, thì không phải ai cũng rõ.

Chúng ta ai cũng biết Trạng nguyên là người đứng đầu kỳ thi tiến sĩ thời xưa, thứ nhì là Bảng nhãn và thứ ba là Thám hoa. Trẻ con ngày xưa thường thuộc làu câu thơ:

"Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh".

Tuy nhiên, tại sao lại gọi người đỗ đầu là Trạng nguyên, người thứ hai là Bảng nhãn còn người thứ ba là Thám hoa, đồng thời ý nghĩa của những từ này là gì, thì không phải ai cũng rõ.

Trạng nguyên chính là tên gọi hạng nhất trong nhất giáp khoa thi Đình. Khoa cử có ba cấp thi, đỗ đầu thi Hương là Giải nguyên, đỗ đầu thi Hội là Hội nguyên, đỗ đầu thi Đình là Trạng nguyên. Trong khoa cử nói ai đó trúng liền tam nguyên tức là người ấy đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Chữ “nguyên” có nghĩa là đứng đầu, nhưng tại sao phải thêm chữ “trạng” ở trước để gọi hạng nhất của thi Đình? Nguyên do vào đời Đường các thí sinh đều phải nộp trạng (giấy tờ), do đó chữ “trạng” và chữ "đầu, sau này là chữ “nguyên”, kết hợp lại thành tên gọi hạng nhất thi Đình là “Trạng đầu”, “Trạng nguyên”. Trạng nguyên còn được gọi là Điện nguyên (người Trung Hoa coi thi Đình là "Điện thí" tức thi ở cung điện)

Bảng nhãn là tên gọi hạng nhì trong nhất giáp khoa thi Đình. Đầu đời Bắc Tống, gọi hạng nhì, hạng ba khoa thi Đình là Bảng nhãn, có ý nói họ là "cặp mắt" ở trên bảng. Như vậy, Bảng nhãn ban đầu là chỉ 2 người xếp sau Trạng nguyên nên tạo thành cặp mắt. Nhưng từ các thời Nam Tống, Minh, Thanh, thì Bảng nhãn chỉ để gọi hạng nhì, còn hạng ba là Thám hoa.

Thám hoa là tên gọi hạng ba trong nhất giáp khoa thi Đình. Đời Đường có có tập tục sau khi công bố kết quả thi đỗ tiến sĩ, tân khoa tiến sĩ phải ở vườn hạnh Khúc Giang tổ chức “thám hoa yến” (tiệc xem hoa) để ăn mừng. Trong bữa tiệc chọn ra hai-ba người tuổi trẻ đẹp trai, thi đỗ cao làm thám hoa sứ (còn gọi là thám hoa lang), đi khắp các vườn nổi tiếng để hái những hoa đẹp. Từ đời Nam Tống về sau gọi hạng ba trong nhất giáp khoa thi Đình là Thám hoa, cũng do căn cứ vào tập tục này mà nên.

Trạng nguyên ở nước ta là danh hiệu thuộc học vị tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa thi Đình thời phong kiến kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. Mặc dù khoa thi đầu tiên ở nước ta được mở ra dưới thời Lý năm 1075 nhưng lúc đó vua nhà Lý chưa đặt ra định chế tam khôi nên người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh chưa được chính thức gọi là Trạng nguyên.

Phải đến khoa thi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời vua Trần Thái Tông (1247) triều đình mới đặt ra định chế tam khôi (3 vị trí đỗ đầu có tên gọi thứ tự Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) thì mới có danh hiệu Trạng nguyên.

Tại sao lại có thông tin đầu nhà Trần mới có Trạng nguyên? Về các khoa thi đầu đời Trần trước năm 1247, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép: Trước đây, hai khóa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chia làm Giáp, Ất, chưa có chọn Tam khôi. Đến khoa này mới đặt [tam khôi].

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép có chi tiết hơn về khoa thi năm 1232: “Tháng 2. Thi khoa Thái học sinh. Trước kia, nhà Lý kén chọn học trò, chưa phân ra cấp bậc. Nay mới định người đỗ cao đỗ thấp theo cấp bậc tam giáp. Khoa ấy lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ Đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ Đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ Đệ tam giáp”. Nhưng sách này lại không ghi chép gì về khoa thi năm 1239.

Mãi đến năm 1247, Đại Việt sử ký toàn thư mới chép: “Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ Thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”. Cách dùng từ “thám hoa lang” trong Đại Việt sử ký toàn thư có vẻ ít dùng thời nay nhưng đã chứng tỏ thời xưa “thám hoa lang” được sử dụng phổ biến chỉ người đỗ hạng ba như nguyên gốc từ này.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép kỹ hơn: “Tháng 2, mùa xuân. Thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia ra hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Nay mới đặt ra tam khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhỡn (sử nhà Nguyễn kỵ húy từ nhãn), Đặng Ma La đỗ Thám hoa. Còn 48 người đỗ Thái học sinh đều được xuất thân theo thứ tự trên dưới khác nhau.

Đến thời nhà Nguyễn thì không lấy danh hiệu Trạng nguyên nữa (danh hiệu cao nhất dưới thời nhà Nguyễn là Đình nguyên). Do đó Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ đỗ khoa Bính Thìn (1736) thời Lê-Trịnh.

Theo cuốn Những ông nghè ông cống triều Nguyễn của Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan và Lan Phương (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1995), dựa vào các công trình Các nhà khoa bảng Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa, 1993); Quốc triều hương khoa lục (Nhà xuất bản TP.HCM, 1993) thì từ khi bắt đầu mở khoa thi (1075) đến khi chấm dứt (khoa thi cuối cùng tổ chức năm 1919), tổng cộng có 184 khoa thi với 2.785 vị đỗ đại khoa (đỗ tiến sĩ và tính cả phó bảng), trong đó có 56 Trạng nguyên.

Tuy nhiên, tác giả Vũ Xuân Thảo trong bài Vài số liệu, tư liệu chưa chính xác trong cuốn Những ông nghè ông cống triều Nguyễn đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 67 (năm 1999) đã cho rằng số liệu trên không chính xác. Theo ông thì từ năm 1075 đến năm 1919 có tổng cộng có 185 khoa thi với 2.898 vị đỗ đại khoa (tính từ phó bảng trở lên), trong đó chỉ có 47 Trạng nguyên. Cũng theo tác giả này và Lê Thái Dũng trong Giở trang sử Việt năm 2008 của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội thì Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Quan Quang, đỗ khoa Bính Ngọ (1246).

Vị trạng nguyên đầu tiên được vinh danh trên bia đá Quốc Tử Giám là Nguyễn Trực

Các bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được dựng trong thời gian gần 300 năm (từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40.

Văn bia chép thế này:

"Lớn lao thay! Thánh triều ta, Thái Tổ Cao hoàng đế (chỉ Lê Lợi), trời ban trí dũng, nghiệp lớn kinh luân, diệt bạo trừ tàn, cứu dân sinh khỏi chốn lầm than. Ngay khi vũ công đại định, văn đức sửa sang, muốn chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Bèn xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Tại kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có trường học. Thánh thượng đích thân chọn con cháu quan viên và thường dân tuấn tú vào làm học sinh ở các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền, cùng là giám sinh ở Quốc tử giám. Lại sai quan chuyên trách rộng chọn con em các nhà lương thiện vào làm sinh đồ ở các trường phủ, cử thày dạy dỗ, in kinh sách ban phát, đất trồng tài năng thực đã rộng mở. Còn như phép tuyển chọn kẻ sĩ, hoặc hỏi nghĩa lý kinh điển, hoặc các đề phú luận, hoặc Thánh thượng đích thân ra đề thi văn sách, tùy tài học từng người mà bổ dụng. Lúc bấy giờ tên gọi khoa thi tiến sĩ tuy chưa đặt ra, nhưng thực chất đề cao Nho học và phép chọn người thì đại khái đã có đủ. Nền thái bình muôn thuở thực đã bắt đầu từ đây.

Ôi! Thái Tông Văn hoàng đế nối giữ nghiệp lớn, làm rạng rỡ ông cha, xem xét nhân văn, giáo hóa thiên hạ. Lấy việc trọng đạo Nho làm việc hàng đầu, coi kén chọn anh tài tôn trọng hiền sĩ làm mưu lược tốt. Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất. Tô điểm cơ đồ, khôi phục mở mang trị hóa chính là ở đây; mà sửa sang chính sự, sắp đặt công việc, giáo hóa dân phong mỹ tục cũng là ở đây, các bậc đế vương đời xưa làm nên trị bình đời nào cũng theo thế.

Thánh tổ đã định quy mô, nhưng chưa kịp thi hành. Làm rạng rỡ đời trước, khuyến khích đời sau, nay chính là lúc làm việc này. Bèn vào năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) rộng mở xuân việc thi Hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ số dự thi đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, Thánh thượng sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối. Lúc ấy Đề điệu là Thượng thư Tả bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thí là Ngự sử đài Thị ngự sử Triệu Thái, cùng các quan Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Đằng lục, Đối độc ai nấy đều kính cẩn thi hành công việc. Ngày mùng 2 tháng 2, Thánh thượng ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Bác sĩ Lý Tử Tấn nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xét định thứ bậc cao thấp. Ban cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa lang; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ Tiến sĩ, bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ Phụ bảng. Đó là gọi theo danh hiệu đã có từ đời trước.

Ngày mùng 3 tháng 3, xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để nêu cao nổi bật với dân thường, ban áo mũ cân đai để đẹp cách ăn mặc, cho dự yến vườn Quỳnh để tỏ ơn huệ, cấp ngựa về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi Thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy.

Ngày mùng 4, bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực lạy chào dâng biểu tạ ơn. Ngày mùng 9, lại vào bệ kiến cáo từ, xin được vinh quy. Đó là khoa thi đầu tiên đời thánh triều được ơn vinh long trọng, đến nay kẻ sĩ vẫn còn tấm tắc ngợi ca. Từ đó về sau thánh nối thần truyền, đều tuân theo lệ cũ.

Thánh hoàng trung hưng nghiệp lớn, rộng mở nhân văn, đổi mới chế độ, lừng lẫy tiếng tăm. Đặc biệt về phép lựa chọn kẻ sĩ lại càng lưu tâm chú ý: phàm những định lệ triều trước đã thi hành thì noi theo giữ gìn, những việc triều trước chưa đủ thì mở rộng thêm. Sau khi truyền lô yết bảng, lại cho dựng đá đề danh để truyền lại lâu dài. Phép hay ý tốt khuyến khích thật rất mực chu đáo tận tình. Tốt thay, thịnh thay!

Nay xét các khoa thi Tiến sĩ từ năm Đại Bảo thứ 3 đến nay đều chưa được dựng bia, bọn Thượng thư Bộ Lễ Quách Đình Bảo vâng mệnh Hoàng thượng đem họ tên thứ bậc người thi đỗ khắc lên đá tốt, đồng thời xin đem danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang đổi làm Tiến sĩ cập đệ, người đỗ Phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân để cho hợp với quy chế hiện nay. Hoàng thượng chuẩn tấu, sai từ thần là bọn Thân Nhân Trung chia nhau soạn bài ký.

…..

(Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Anh Tú