Mỹ bác bỏ thông tin đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran
Chuyển động - Ngày đăng : 14:15, 13/03/2023
Khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước Iran ngày 12.3, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian cho biết Iran “trong vài ngày gần đây đã đạt đến một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Mỹ”, dù ông không đưa ra chứng cứ nào cho tuyên bố này.
Ông nói thêm: “Nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp bên phía Mỹ, tôi cho rằng sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc trao đổi tù nhân”, và nói có một tài liệu trong đó Iran - Mỹ “đã gián tiếp ký phê duyệt” việc trao đổi tù nhân từ tháng 3.2022.
Khi AP đề nghị bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi đó là “một lời dối trá đặc biệt bạo tàn khác gây thêm nỗi đau cho gia đình những người bị Iran giam oan”.
Ông Price còn cho biết: “Chúng tôi đang làm việc không ngừng để có được sự trả tự do cho những người Mỹ bị giam oan ở Iran. Chúng tôi sẽ không ngừng cho đến khi họ được đoàn tụ với người thân”.
Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC, thuộc Nhà Trắng) gọi phát biểu của quan chức ngoại giao cấp cao Iran là “gian dối”.
Tuyên bố của NSC viết: “Đáng tiếc là các quan chức Iran sẽ không ngại ngần dựng chuyện, và tuyên bố bạo tàn mới nhất sẽ gây thêm nhức đầu cho gia đình của Siamak Namazi, Emad Shargi và Morad Tahbaz”, là 3 công dân Mỹ có quốc tịch kép Iran đang bị giam giữ tại Iran và bị cáo buộc hoạt động gián điệp.
Hồi tháng 1, một thành viên NSC cho biết: “Chúng tôi đang làm việc không ngừng để đưa các ông ấy về nước cùng tất cả các công dân Mỹ khác bị giam giữ trái phép ở Iran. Việc Iran giam giữ công dân Mỹ trái phép để tạo lợi thế chính trị là rất đáng phẫn nộ”.
Theo AP, trước đây ông Amirabdollahian trước đây từng có phát biểu tương tự về khả năng đạt đến thỏa thuận Iran sẽ trả tự do cho 3 người Mỹ gốc Iran bị Iran giam giữ là Siamak Namazi, Emad Shargi và Morad Tahbaz.
Đổi lại, Washington sẽ cho phép giải ngân 7 tỉ USD trong các quỹ dầu mỏ của Iran bị Hàn Quốc niêm phong để thực hiện lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Iran chỉ có thể dùng số tiền này để mua thức ăn, thuốc men cùng các hàng hóa đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.
Hãng tin Mỹ nhắc từ lâu Iran thường lập quan hệ hoặc bắt những người nước ngoài có hộ chiếu phương Tây nhằm gây áp lực trong các cuộc đàm phán giữa Iran với các nước ngoài.
Tehran đã bác bỏ cáo buộc trên. Iran nói không bao giờ công bố chứng cứ chống lại người bị bắt, và cũng không công nhận quốc tịch kép của các công dân Mỹ bị bắt.
Dù vậy, trong những tuần gần đây, Namazi đang bị giam ở nhà tù Evin ở Tehran đã được cho phép trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có sự cho phép của các lực lượng an ninh Iran.
Namazi là một doanh nhân Mỹ gốc Iran, bị Iran bắt năm 2015 và bị tuyên án 10 năm tù hồi năm 2016, với tội danh “hoạt động gián điệp và hợp tác với chính quyền Mỹ”.
Namazi đã tiến hành tuyệt thực trong tù hồi tháng 1. Ông còn viết thư và nhờ luật sư gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi chính quyền Mỹ thúc đẩy việc trả tự do cho ông.
Sharghi, một doanh nhân Mỹ gốc Iran thì bị bắt năm 2018, khi ông đang làm việc cho một công ty đầu tư công nghệ. Tahbaz là một nhà hoạt động môi trường, cũng bị buộc tội “hợp tác với chính quyền quốc gia thù địch”.
Các nguồn tin người Iran cho Reuters biết có 2 quốc gia Trung Đông liên quan các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ với Iran để trả tự do cho các tù nhân. Hãng tin Anh nói Tehran từ nhiều năm qua đã tìm cách đòi tự do cho hơn chục người Iran bị giam ở Mỹ, gồm 7 người có quốc tịch kép Mỹ - Iran, 2 người Iran có thẻ thường trú dài hạn ở Mỹ cùng 4 người Iran không có giấy tờ hợp pháp.
Cùng lúc, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Ali Bagheri Kani hôm 12.3 đã đến Oman, một quốc gia lâu nay giữ vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Tehran với Washington.
Hiện đang có những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận đa quốc gia 2015, còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, qua đó Tehran ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại là quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Iran.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, nhưng người kế nhiệm Joe Biden cho biết ông có ý đưa Mỹ quay lại thỏa thuận. Dù vậy, nhiều vòng đàm phán trực tiếp trong 2 năm qua vẫn chưa thể phục hồi thỏa thuận.
Ngoài nỗ lực giải cứu các tù nhân Mỹ, Washington tiếp tục tuyên bố sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Còn Tehran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ dùng vào mục tiêu dân sự.