Cứu cụ ông bị tắc ruột do nuốt quả chà là
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 12:30, 13/03/2023
Cụ ông H.V.H (85 tuổi, ở Vĩnh Long) được chuyển đến BVĐKTƯCT sáng 5.3 với tình trạng đau khắp bụng, nôn ra dịch xanh đen, mạch nhanh.
Bệnh nhân thích ăn quả chà là, gia đình không biết bệnh nhân đã nuốt quả chà là nguyên vỏ lúc nào, chỉ biết ông bị tình trạng khó tiêu, đau bụng khoảng nửa tháng.
Tình trạng đau bụng nôn ói tăng dần từ chiều đến tối trước ngày nhập viện, sau đó bệnh nhân nôn ói dịch màu đen lợn cợn nên được đưa đến BVĐKTƯCT điều trị.
Tiền sử bệnh nhân đái tháo đường - tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hội chẩn trước phẫu thuật cho thấy tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã quyết định phẫu thuật thám sát, xử trí tổn thương, lòng hỗng tràng có 2 dị vật gây tắc ruột hoàn toàn.
Ê kíp mổ lấy ra 2 dị vật dạng trái cây (giống trái chà là) kích thước 4 x 2cm, khâu lại ruột, dẫn lưu theo dõi.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đã uống được sữa, súp, tiêu hóa tốt, dự kiến ra viện ngày 14.3.
BSCK2 Bùi Phi Hùng - phẫu thuật viên chính ca phẫu thuật thông tin: “Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến trong quá trình ăn uống chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ em.
Có khoảng 1% trong số các trường hợp dị vật dù đã di chuyển qua được môn vị dạ dày nhưng gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột (do các dị vật sắc nhọn), tắc ruột (dị vật có kích thước lớn), khối áp xe trong ổ bụng (dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc). Thậm chí có bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Dị vật đường tiêu hóa ngày càng phổ biến và đa dạng, có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất.
Các loại dị vật thường gặp là xương động vật như xương cá, xương gà, xương vịt… hoặc các loại quả, hạt như hạt hồng xiêm, hạt vải…
Ngoài ra dị vật có thể là đồng xu, khuy áo, răng giả... Tùy theo dị vật mà thương tổn đường tiêu hóa khác nhau; các dị vật như xương cá, gà, heo… dễ gây viêm, thủng hoặc áp xe đường tiêu hóa.
Thông thường người bệnh không chắc đã biết mình nuốt phải dị vật. Người ta thường dễ nuốt phải dị vật trong các dịp liên hoan, lễ hội... Trong bữa tiệc tùng, một số người nhai không kỹ, nuốt phải dị vật lẫn trong thức ăn mà không hay biết. Trẻ em khi nghịch ngợm hay ngậm nuốt đồ chơi, vật dụng, hạt quả cũng là đối tượng có nguy cơ cao.
Ngoài ra, là nhóm người bệnh già yếu, hoặc người mất răng làm giảm khả năng cắn, xé, nhai thức ăn dẫn đến cố nuốt khối thức ăn dai, xương, tăm và thậm chí là hàm răng giả...
Cũng có trường hợp người bệnh vô ý nuốt phải dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhựa có cạnh sắc nhọn do người bệnh uống thuốc vào tối hoặc đêm không bật đèn nên có thể uống viên thuốc còn nguyên vỏ.
Một nhóm có nguy cơ cao nuốt dị vật nữa là những người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn rồi ngủ quên, nuốt phải tăm lúc nào không biết.
Do đó, cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh mất tập trung; tránh thức ăn dai hoặc có lẫn xương; lưu ý các loại thịt, cá còn lẫn xương.
Nên xay nhỏ và nấu nhừ đồ ăn cho người già và trẻ nhỏ. Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi xỉa răng xong; cần bóc hết vỏ vỉ thuốc trước khi sử dụng.
Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian.
Không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến vấn đề trở nên phức tạp thêm.
Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí lấy dị vật càng sớm càng tốt.