Buôn Ma Thuột và tầm nhìn Thành phố cà phê của thế giới

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:41, 13/03/2023

Với lợi thế thủ phủ cà phê Việt Nam, trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, thành phố Buôn Ma Thuột đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ cùng các bộ ban ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để hiện thực hóa khát vọng trở thành Thành phố cà phê của thế giới.
hinh-1.jpg

Thao thức một vị thế xứng đáng cho thủ phủ cà phê Việt Nam

Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa của cường quốc cà phê Việt Nam, nơi hạt cà phê Robusta thơm ngon nhất thế giới, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dần dịch chuyển sang nền kinh tế sáng tạo, với thế mạnh của ngành cà phê - năng lượng của kinh tế tri thức, Buôn Ma Thuột hoàn toàn có thể trở thành một thành phố chuyên đề - Thành phố cà phê của thế giới. Thấu hiểu được lợi thế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã luôn chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cùng các giá trị của cà phê nhằm đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà phê thế giới.

hinh-2.jpg
Cần tạo ra một hệ sinh thái lối sống cà phê quyến rũ, độc đáo để cà phê Việt Nam thực sự được nâng tầm trên thế giới.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đang diễn ra (10-14.3.2023), nhiều nội dung chia sẻ từ các hội thảo, hội nghị cho thấy, dù có nhiều lợi thế nhưng Buôn Ma Thuột vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để thực sự nâng cao thương hiệu, giá trị cà phê trên hành trình đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới.

Phát biểu tại khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo để góp phần đưa chuỗi giá trị ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, song song việc nâng cao chất lượng cà phê cần chú trọng thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, chiến lược quảng bá phù hợp để đưa Đắk Lắk thành điểm đến của cà phê thế giới, Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới.

Tại Hội thảo “Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao” trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, để cà phê Việt Nam tăng giá trị, cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê.

Cũng trong Hội thảo “Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao”, ông Gerardo Patacconi, Trưởng ban điều hành Hiệp hội cà phê thế giới (ICO) nhận định, Việt Nam cần dịch chuyển nhanh sang cà phê chế biến, cà phê rang xay, cà phê hòa tan để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Đồng thời, hiện nay Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê, Việt Nam cần đẩy mạnh chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế 4C, Rain Forest…

hinh-3.jpg
Trung Nguyên Legend đang hiện thực các sáng kiến để cùng tỉnh Đắk Lắk đưa Buôn Ma Thuột thành Thành phố cà phê của thế giới.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã chia sẻ những sáng kiến và kinh nghiệm để cùng chung tay hiện thực hóa đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, đưa cà phê Việt Nam chinh phục thế giới. Có 5 hành động cụ thể để triển khai thực hiện ngay, tập trung cho hoạt động tiếp thị, quảng bá, cụ thể: Thực hiện tiến trình đề xuất “Cà phê sữa đá”, “Cà phê phin” của Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận; Đồng hành xây dựng Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột trở thành lễ hội mang tầm vóc quốc tế; Đồng hành đưa các sự kiện quốc tế về cà phê đến Buôn Ma Thuột; Đóng góp ý tưởng và cách thức xây dựng Mạng xã hội cà phê toàn cầu – trung tâm xây dựng, truyền thông cho Buôn Ma Thuột; Quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa gắn với các di tích quốc gia qua các hoạt động du lịch chữa lành; Kiến tạo các chương trình, không gian trải nghiệm tư tưởng, văn hóa, tinh thần cà phê.

Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi giá trị là mục tiêu để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành cà phê và khẳng định vị thế của một thủ phủ cà phê toàn cầu Buôn Ma Thuột. Các doanh nghiệp làm về máy móc, thiết bị, cơ khí chế tạo các công cụ dụng cụ phục vụ cho ngành cà phê; các trường, học viện đào tạo nghề cà phê (pha chế, quản lý vận hành cửa hàng, sửa chữa máy móc, nghiên cứu phát triển chuyên sâu,…); các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê; và hàng trăm những ngành nghề phụ trợ khác liên quan đến cà phê cùng phát triển sẽ tạo ra một ngành công nghiệp hàng chục tỷ USD, cũng như tạo ra hàng triệu việc làm đem đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Định vị trở thành Điểm đến của cà phê thế giới

Sở hữu những lợi thế của một thủ phủ cường quốc cà phê, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột từ năm 2005 đã tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa cà phê, đánh dấu bước ngoặt của ngành cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đăng bạ. Đây cũng là tiền đề hình thành Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, một Lễ hội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia, tổ chức mỗi 2 năm 1 lần từ năm 2011, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng về cà phê của Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.

Năm 2007, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển cà phê bền vững với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà văn hoá, chính khách lớn đến từ nhiều quốc gia. Tại đây, ý tưởng về xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thiên đường cà phê” thế giới đã được Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra với mong muốn đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ kinh tế, văn hóa cà phê có vị thế trên toàn cầu.

Năm 2012, tại diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), “7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu” hiện thực hóa tầm nhìn “Thủ phủ cà phê” hay “Thiên đường cà phê” thế giới tại Buôn Ma Thuột tiếp tục được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend nêu ra như một dự án của quốc gia mang ý nghĩa toàn cầu.

Đặc biệt, năm 2019, với những nỗ lực trong nhiều năm của chính quyền, nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ phát triển Đắk Lắk cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị.

Năm 2022, thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính Trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai Đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”. Đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng; du lịch, văn hóa, lịch sử; các nhà kinh tế, xây dựng cơ chế chính sách; các doanh nghiệp cà phê, nhà đầu tư, nhà quản lý phát triển đô thị, nông thôn được mời tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình trọng tâm, các dự án để hiện thực hóa Đề án.

hinh-4.jpg

Tạp chí hàng đầu thế giới National Geographic bản tiếng Tây Ban Nha cho rằng “Bảo tàng Thế giới Cà phê ở Buôn Ma Thuột là nơi bạn có thể chìm đắm trong văn hóa cà phê”.

Là thương hiệu hàng đầu, sáng nghiệp tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên Legend luôn đồng hành với Thành ủy, UBND thành phố Buôn Ma Thuột và Tỉnh Đắk Lắk, cũng như các nhà khoa học – chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê, các tổ chức cà phê trong nước và quốc tế … từ những ngày đầu trong hành trình định vị Buôn Ma Thuột là điểm đến của thế giới. Song song với những sáng kiến đóng góp, Trung Nguyên Legend tiên phong triển khai những dự án, sản phẩm nâng cao giá trị cà phê Robusta Buôn Ma Thuột và vị thế của thủ phủ cà phê thế giới. Đến nay, những sản phẩm cà phê tuyệt ngon được tạo tác từ cà phê Robusta Buôn Ma Thuột đã được xuất khẩu đến 80 quốc gia vùng lãnh thổ. Các công trình biểu tượng như Thành phố cà phê, Bảo tàng thế giới cà phê, Làng cà phê, tour du lịch cà phê, các sản phẩm được sáng tạo nhằm nâng tầm cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật….đang được hình thành, phát triển tại vùng đất này.

Ngay tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với chủ đề “Điểm đến của cà phê thế giới” đang diễn ra (10-14/3/2023), Trung Nguyên Legend với vai trò Nhà tài trợ Đặc biệt và được sự tín nhiệm của Ban tổ chức đã đem đến những hoạt động đặc sắc, hội tụ tinh hoa cà phê thế giới, tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê Việt Nam; cũng như quảng bá thương hiệu cà phê Robusta Buôn Ma Thuột, như: Lễ hội đường phố - Nơi hội tụ 3 nền văn minh cà phê thế giới; tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam - Hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”; Triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”; tham gia Ngày hội cà phê miễn phí; Tổ chức các tour du lịch cà phê;… Hơn 78.000 ly cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend được phục vụ trong 2 ngày đầu lễ hội. Bảo tàng Thế giới Cà phê cùng gian hàng Trung Nguyên Legend tại hội chợ triển lãm đã đón tiếp hơn 30.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm sự hội tụ của ba nền văn minh cà phê thế giới.

hinh-5.jpg
Để giá trị cà phê Việt Nam được nâng cao, cần tạo ra một văn hóa trải nghiệm đặc sắc, khác biệt như Hành trình trải nghiệm Lối sống tỉnh thức tại Thành phố cà phê.

Định vị trở thành điểm đến của cà phê thế giới, Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt Nam không chỉ là sản xuất cà phê mà còn là nơi phát huy những giá trị văn hóa, xã hội từ việc tạo nên thương hiệu cà phê chất lượng cao, nơi hội tụ nghệ thuật chế biến, thưởng lãm cà phê toàn cầu, không gian hòa hợp của rừng già – nông trang và các khu phố cà phê hình mẫu, quy tụ hàng tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu hướng về.

Yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm trong ngành cà phê mà Trung Nguyên Legend đang nỗ lực xây dựng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. Trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tại Hội thảo “Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định ngành cà phê Việt Nam cần tăng giá trị hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm, mà cần đề cao yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm, chú ý đến sự khác biệt của câu chuyện cà phê vì sự khác biệt là biểu đạt của nền kinh tế trải nghiệm.

Có thể thấy, với khát vọng và quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cùng sự quan tâm sâu sắc của nhà nước và chính phủ, sự chung tay của các nhà hoạch định sách lược quốc gia, các chuyên gia và những doanh nghiệp tiên phong như Trung Nguyên Legend đang và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, nội lực của Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê để sớm trở thành Thành phố cà phê của thế giới, góp phần biến tầm nhìn 20 tỉ USD cho ngành cà phê Việt Nam trở thành hiện thực

N.V.L