VFF và VPF đều phải thay đổi tầm nhìn!
Thể thao - Ngày đăng : 14:18, 13/03/2023
Trong khi hệ thống phát hiện, đào tạo trẻ ngày càng phát triển cả về lượng lẫn chất, các giải trẻ thuộc hệ thống từ U.11 đến U.21 tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng đã phát triển hơn rất nhiều so với ban đầu. Ngay cả bóng đá sinh viên cũng đã bắt đầu khởi sắc với Giải vô địch sinh viên Việt Nam 2023 và được đưa vào hệ thống thi đấu hằng năm của VFF.
Một chân đế đang ngày càng hoàn thiện với sự đóng góp rất lớn của xã hội, thì ngược lại, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp gồm V-League, Hạng nhất, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia do VPF và VFF điều hành, quản lý đang bị biến dạng về nhiều mặt.
Nghịch lý bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
V-League 2022 kết thúc ngày 19.11, mùa giải 2023 khởi tranh ngày 3.2, nhưng giải mới diễn ra được 4 lượt đấu đã phải nghỉ 46 ngày (từ 19.2 đến 6.4) để nhường chỗ cho U.20 và U.23 Việt Nam tập trung. Như vậy, các cầu thủ chỉ được đá tối đa 4 trận trong 136 ngày, trung bình 34 ngày/trận.
Với cầu thủ ở lứa U.20 và U.23, thời gian thi đấu còn ít hơn. Giải Hạng nhất, giải mà phần lớn các cầu thủ trẻ thi đấu, mùa giải 2022 kết thúc vào ngày 29.10, nhưng Hạng nhất 2023 mãi đến đầu tháng 4 mới dự kiến bắt đầu. Như vậy các cầu thủ có ít nhất 6 tháng nghỉ mỗi năm. Đó là lý do khi tập trung đội U.20, U.23 vào tháng 3.2023, HLV Philiipe Troussier phải rèn lại từ đầu nhiều kỹ năng cơ bản vì các cầu thủ đã mất cảm giác tập luyện và thi đấu khi có đến hơn 4 tháng nghỉ ngơi từ cuối tháng 10.2022 đến tháng 3.2023.
Với 14 đội V-League và 10 đội Hạng nhất, mùa bóng 2023 các cầu thủ chỉ được thi đấu 20 trận (tranh chức vô địch), 18 trận (tranh suất trụ hạng) ở V-League và 18 trận ở Hạng nhất. Số lượng trận đấu đã ít mà chất lượng các trận đấu cũng không cao.
HLV Troussier nói rằng các cầu thủ ở châu Âu thi đấu khoảng 40 trận trong 6 tháng. Tất nhiên BĐVN chưa thể so sánh và rập khuôn hoàn toàn như bóng đá châu Âu, nhưng tính lại số lượng trận đấu mỗi mùa mà các cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam thi đấu ở V-League, Hạng nhất là quá ít dù có cộng thêm vài trận ở Cúp quốc gia, hay thêm một số trận ở các giải trẻ mà một số cầu thủ còn tuổi thi đấu giải U đang khoác áo các CLB V-League hay Hạng nhất.
Nếu như giải vô địch bóng đá của các nước có nền bóng đá phát triển thi đấu liên tục và kéo dài 10 tháng/mùa (từ tháng 8 năm này qua tháng 5 năm sau), chỉ nghỉ đông và các đợt FIFA Days, thì các giải bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vừa ít số trận, vừa ngắn ngày, lại còn bị ngắt quãng liên tục.
Lời giải thích của ông Trần Anh Tú chưa thuyết phục
Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú nói rằng kế hoạch mỗi mùa bóng của VPF đều được gửi cho các CLB đóng góp ý kiến, sau đó VPF trình VFF thông qua. Ban Chấp hành VFF có 8 đại diện đến từ các CLB ở V-League, nhưng các các thành viên Ban Chấp hành đều thông qua kế hoạch này.
Không ít lần Một Thế Giới đã nhấn mạnh những bất hợp lý từ các quyết định của VPF đều có trách nhiệm của các câu lạc bộ. Do đó khi phát hiện những quyết định không phù hợp chuyên môn của VPF, các ý kiến của không ít CLB đều là những người không phải đại diện CLB khi đi họp. Thực trạng này phản ánh ngay trong CLB cũng không thống nhất và các CLB cũng không thấy rõ hết tầm quan trọng khi cử đại diện tham gia biểu quyết thường chỉ gật đồng ý thay vì có ý kiến phản biện.
Lỗi của các CLB là không thể phủ nhận, nhưng cũng không thể chối bỏ VPF là nơi lên kế hoạch để các CLB thông qua, mà người cao nhất ở VPF: Trần Anh Tú!
Đến khi VPF trình lên VFF phê duyệt, ngoài Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, thì ai là Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn: Trần Anh Tú!
Như vậy, trong bất kỳ lĩnh vực nào chứ không riêng gì bóng đá, người chịu trách nhiệm cao nhất luôn là người có vị trí cao nhất, do đó ông Trần Anh Tú không thể rũ bỏ trách nhiệm và đùn đẩy cho tập thể để chia sẻ những quyết định sai lầm của VPF cho dù đã được tập thể thông qua cũng như là VFF phê duyệt.
Ngoài những bất cập ở V-League, Hạng nhất mà bất kỳ người nào hiểu chuyên môn đều biết rõ thì ngay cả quy định “tài trợ độc quyền” không còn phù hợp với xu hướng phát triển chung của bóng đá thế giới, thì VPF dưới sự điều hành của ông Trần Anh Tú vẫn áp dụng quy định “lỗi thời” này. Chính vì lẽ đó Câu lạc bộ cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai đã nộp đơn kiện VPF lên tòa án vào ngày 7.2.2023.
Với hàng loạt quyết định không chuyên môn, cản trở sự phát triển của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp dẫn đến thực trạng mô hình kim tự tháp ngược khi V-League nhiều đội hơn Hạng nhất - tất cả đều diễn ra thời ông Trần Anh Tú điều hành, thì rõ ràng Trần Anh Tú người đang nắm chuyên môn cao nhất ở BĐVN lại là người đưa ra những quyết định không có chuyên môn!
Còn đâu giấc mơ World Cup?
Ngày chính thức trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV Philippe Troussier chia sẻ Việt Nam hiện Top 16 châu Á và 95 thế giới, với tiềm năng của BĐVN ông tin sẽ cùng mọi người có thể biến giấc mơ đội tuyển Việt Nam có mặt ở World Cup 2026, World Cup đầu tiên ở vòng chung kết có 48 đội, trong đó châu Á có 8 suất chính thức là ½ suất tranh play-off - trở thành hiện thực.
Để đạt được mục tiêu này, về chuyên môn, HLV Philippe Troussier mong muốn các trận đấu ở V-League vừa nhiều hơn vừa giàu tính cạnh tranh hơn từ đó các cầu thủ mới có thể được thi đấu nhiều trận hơn trong một mùa bóng ít nhất cũng từ 40 đến 50 trận. V-League cùng Giải Hạng nhất diễn ra liên tục, chỉ bị ngắt quãng vào những đợt FIFA Days. Ngoài ra đội tuyển Việt Nam cần có những trận giao hữu trước các đội thủ mạnh hơn và nằm trong Top 50 - 60 ở bảng xếp hạng FIFA.
Bản thân HLV Philippe Troussier khẳng định ông không thấy bất kỳ điều gì khó khăn nếu đội tuyển tập trung ít ngày, vì điều ông muốn và với ông rất quan trọng, đó là các cầu thủ được thi đấu nhiều trong màu áo câu lạc bộ.
Trong phạm vi một bài báo chúng tôi không thể nói hết, nhưng rõ ràng nếu hệ thống thi đấu của BĐVN vẫn tiếp tục như bao lâu này, thì gần như chắc chắn: giấc mơ tham dự World Cup của BĐVN vẫn sẽ chỉ là giấc mơ!