Chính phủ Mỹ tìm cách ngăn chặn khủng hoảng tài chính
Chuyển động - Ngày đăng : 15:10, 13/03/2023
Giới chức quản lý ở Mỹ cuối tuần qua cố tìm người mua lại SVB nhưng thất bại. Tình hình càng phức tạp hơn khi có thêm ngân hàng Signature nắm giữ 110 tỉ USD tài sản bị đóng cửa.
Để cải thiện niềm tin người dân, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Công ty Bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) cùng lên tiếng đảm bảo mọi khách hàng của SVB đều được bảo vệ và có thể tiếp cận tiền gửi của mình. Ba đơn vị công bố một số biện pháp nhằm mục đích bảo vệ khách hàng cũng như chặn đứng làn sóng rút tiền.
Trong ngày 12.3, ngân hàng First Republic - một tổ chức đang gặp khó khăn khác - tuyên bố đã tự củng cố sức mạnh tài chính bằng cách tiếp cận nguồn vốn từ Fed và JPMorgan Chase.
Fed sau đó còn tung ra một chương trình khẩn cấp, cho hệ thống ngân hàng vay tự do để khách hàng tin tưởng rằng họ có thể tiếp cận tài khoản tiền gửi của mình bất cứ lúc nào. Chương trình cho phép các ngân hàng cần huy động tiền mặt trả cho người gửi vay tiền từ Fed thay vì phải bán trái phiếu chính phủ hay chứng khoán khác để huy động tiền.
Các ngân hàng cần người muốn vay sẽ dùng chứng khoán làm tài sản thế chấp cho Fed. Bộ Tài chính Mỹ dành ra 25 tỉ USD bù đắp tổn thất cho chương trình khẩn cấp nêu trên.
Giới phân tích nhận định chương trình của Fed đủ sức xoa dịu thị trường. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết xử lý vụ việc, buộc những người có liên quan chịu trách nhiệm, tăng cường giám sát và quản lý ngân hàng lớn hơn để tình trạng tương tự không xảy ra nữa.
SVB đã có 40 năm hoạt động với nguồn vốn tín dụng dồi dào, thế mà lại trở thành ngân hàng lớn nhất sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Khách hàng chủ yếu của SVB là công ty khởi nghiệp. Ngân hàng bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nhiều khách hàng cần tiền mặt do gặp khó khăn trong việc huy động vốn nên rút ồ ạt, phía SVB phải bán lỗ trái phiếu để huy động tiền cho khách.