Thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Ả Rập Saudi ảnh hưởng đến các điểm nóng tại Trung Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 16:20, 13/03/2023
Đây là hai thế lực lớn đối đầu nhau tại Trung Đông. Diễn biến mới nhất chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến các điểm nóng khu vực.
Yemen
Năm 2015, Ả Rập Saudi dẫn đầu liên quân do phương Tây hậu thuẫn can thiệp vào Yemen sau khi chính quyền nước này được cộng đồng quốc tế công nhận bị phong trào Houthi do Iran hậu thuẫn lật đổ.
Cuộc chiến giữa hai phe kéo dài nhiều năm. Phong trào Houthi nhiều lần dùng tên lửa cùng máy bay không người lái tấn công nhiều mục tiêu của Ả Rập Saudi.
Tháng 4.2022, các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn nhờ Liên Hợp Quốc làm trung gian. Sau đó Ả Rập Saudi và phong trào Houthi nối lại đàm phán trực tiếp (Oman đứng ra làm trung gian). Thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực vào tháng 10 nhưng vẫn đang được giữ vững.
Iran - Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Ả Rập Saudi - Houthi đạt thỏa thuận cuối cùng.
Syria
Iran từ năm 2011 đến nay luôn hỗ trợ quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vốn bị cô lập.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi ủng hộ lực lượng đối lập Syria cố lật đổ Tổng thống al-Assad. Nhưng sự ủng hộ này suy giảm dần khi Tổng thống al-Assad vẫn nắm quyền nhiều năm qua.
Iran - Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ khi sự cô lập của thế giới Ả Rập với Tổng thống al-Assad dần tan băng. Thậm chí Riyadh khẳng định tăng cường hợp tác có thể mở đường cho Syria tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập.
Bộ Ngoại giao Syria hoan nghênh thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Ả Rập Saudi, xem đây là bước đi quan trọng giúp thúc đẩy ổn định khu vực.
Lebanon
Chính trường Lebanon nhiều năm qua bị chia rẽ bởi phe thân Iran do nhóm vũ trang Hezbollah lãnh đạo và phe thân Ả Rập Saudi.
Năm 2021, Ả Rập Saudi cùng nhiều quốc gia vùng Vịnh khác rút đại sứ về nước khi xác định Hezbollah nắm quyền kiểm soát Lebanon.
Các đại sứ sau đó đã quay trở lại công tác, nhưng Lebanon giờ đây đang lún sâu vào khủng hoảng tài chính lẫn khủng hoảng chính trị trầm trọng. Đất nước này trong nhiều tháng không có tổng thống, nội các hoạt động với quyền lực hạn chế.
Iran - Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ làm dấy lên hy vọng tình trạng tê liệt sắp chấm dứt. Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri cho biết tin tức tích cực này sẽ thúc đẩy giới chính trị gia chọn ra tổng thống.
Nhóm Hezbollah tuyên bố xem thỏa thuận nêu trên là một tiến triển tốt. Nhóm ủng hộ chính trị gia Suleiman Frangieh làm tổng thống nhưng Ả Rập Saudi phản đối.
Iraq
Sau khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ, Iran khiến Ả Rập Saudi lo ngại khi tích cực tăng cường ảnh hưởng chính trị, an ninh lẫn kinh tế tại Iraq.
Năm 2019, Iran triển khai máy bay không người lái di chuyển qua không phận Iraq tấn công cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Tuy nhiên sang năm sau, biên giới Ả Rập Saudi - Iraq mở cửa trở lại thúc đẩy nỗ lực cải thiện quan hệ.
Iraq hoan nghênh Iran - Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ, xem thỏa thuận là cách để “bước sang trang mới”. Nước này hy vọng khu vực sẽ bước vào giai đoạn hòa hoãn tạo điều kiện cho họ tái thiết, thay vì liên tục bất ổn bởi căng thẳng giữa Iran với cộng đồng Ả Rập vùng Vịnh, Mỹ.
An ninh hàng hải
Căng thẳng Iran - phương Tây lâu nay ảnh hưởng không nhỏ đến vùng biển ở vùng Vịnh nơi nhiều tàu chở dầu di chuyển qua.
Tại vùng Vịnh xảy ra không ít vụ tấn công tàu chở dầu kể từ sau khi Mỹ từ bỏ hiệp ước hạt nhân ký với Iran năm 2015 và tái áp đặt trừng phạt. Ả Rập Saudi cùng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tìm cách giảm căng thẳng bằng cách làm việc trực tiếp với Iran.