Tư thế tình cảm của hai bộ hài cốt gây sốt dư luận

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:25, 14/03/2023

62 hài cốt đã được đào lên tại địa điểm khảo cổ chưa từng được biết đến gần Garforth. Trong số đó, có 2 bộ hài cốt được chôn chung một quan tài với tư thế rất tình cảm.

Hài cốt của một quý tộc La Mã đã được các nhà khảo cổ khai quật ở miền bắc nước Anh. Bộ xương của người phụ nữ không rõ danh tính, được cho là hơn 1.000 năm tuổi, được tìm thấy trong một chiếc quan tài bằng chì tại một nghĩa trang bí mật ở thành phố Leeds vào năm ngoái.

khaoco.jpg

Ngoài ra, 62 hài cốt khác vừa được đào lên tại địa điểm khảo cổ chưa từng được biết đến gần Garforth. Trong số đó, có 2 bộ hài cốt được chôn chung một quan tài với tư thế rất tình cảm.

Theo thông báo từ Hội đồng thành phố Leeds hôm 13.3, những hài cốt được cho là thuộc cả thời kỳ cuối La Mã và đầu thời kỳ Saxon, vì phong tục chôn cất của cả hai thời đại đều được tìm thấy trong các ngôi mộ.

David Hunter, nhà khảo cổ học chính của West Yorkshire Joint Services, nói rằng phát hiện này xuất hiện sau khi một nhà phát triển thương mại nộp đơn xin phép lập kế hoạch xây dựng cho hội đồng thành phố. Một cuộc khảo sát khảo cổ tại địa điểm - vị trí chính xác chưa được công bố - đã dẫn đến việc tìm thấy hài cốt vào mùa xuân năm ngoái.

Hunter cho biết nhóm của ông có lý do để tin rằng địa điểm này có thể là mối quan tâm khảo cổ, vì họ đã tìm thấy các cấu trúc La Mã và Anglo-Saxon ở lân cận trong các cuộc khai quật trước đó. Nhưng họ không ngờ là tìm thấy nghĩa trang của 62 người tại địa điểm này.

Nhóm nghiên cứu cho biết bằng chứng về các hoạt động chôn cất được tìm thấy tại địa điểm này có thể cho thấy tín ngưỡng Cơ đốc giáo nguyên thủy, cùng với tục lệ chôn cất người Saxon. Họ cũng tìm thấy tài sản tùy táng như dao và đồ gốm.

Mô tả chiếc quan tài bằng chì là “rất hiếm”, Hunter cho biết: “Tấm chì là lớp lót của một chiếc quan tài bằng gỗ lớn hơn nên bên trong nó là một thi thể La Mã có địa vị rất cao”. Quan tài cũng chứa những món đồ trang sức khiến nhóm nghiên cứu càng thêm hoài nghi về thân phận người được chôn bên trong.

Các nhà khảo cổ hy vọng rằng nghĩa trang 1.600 năm tuổi có thể giúp họ hiểu được quá trình chuyển đổi quan trọng và đang bị “đứt gãy” sử liệu giữa sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào khoảng năm 400 và sự thành lập của các vương quốc Anglo-Saxon sau này.

Sau khi người La Mã rời Anh, Tây Yorkshire nằm trong Vương quốc Elmet, nằm giữa Thung lũng Wharfe và Don, Vale of York và Pennines. Ngay cả sau khi người La Mã rời đi, nhiều khu vực - gồm cả Elmet, vẫn tiếp tục thể hiện các yếu tố của văn hóa La Mã - bên cạnh nền văn hóa của người Anglo Saxon. Quá trình đó kéo dài khoảng 200 năm.

Mô tả cuộc khai quật là “phi thường”, Hunter cho biết: “Điều này có khả năng trở thành một phát hiện có ý nghĩa to lớn đối với những gì chúng ta hiểu về sự phát triển của nước Anh và Yorkshire cổ đại".

Ông nhấn mạnh: “Sự hiện diện của hai cộng đồng sử dụng cùng một khu chôn cất là rất bất thường và việc họ cùng chôn cất trong nghĩa trang này hay không sẽ quyết định mức độ quan trọng của phát hiện”.

Phần còn lại sẽ trải qua thử nghiệm và phân tích, gồm cả việc xác định niên đại bằng đồng vị carbon, mà nhóm hy vọng sẽ giúp thiết lập các khung thời gian chính xác, cũng như chi tiết về chế độ ăn uống của người thời xưa.

Việc khai quật địa điểm được thúc đẩy bởi thực tế là các cuộc khai quật trước ở khu vực gần đó đã phát hiện được các tòa nhà bằng đá thời kỳ cuối của La Mã và một số lượng nhỏ các cấu trúc theo phong cách Anglo-Saxon. Những phát hiện đó chỉ mới được công bố vì khu vực phải được giữ an toàn để có thể bảo quản hiện trường.

A.T