Tăm xỉa răng bị 'bỏ quên' trong tá tràng cụ bà 92 tuổi

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:19, 14/03/2023

Dù bị tăm xỉa răng đâm vào 2 đầu tá tràng hơn 10 ngày khiến bụng đau âm ỉ, liên tục từ vùng thượng vị lan ra nửa bụng trái; cơn đau tăng sau khi ăn, kèm đi cầu phân lỏng nhưng cụ bà 92 tuổi không hề biết dị vật này rơi xuống bụng mình.

Ngày 14.3, bác sĩ Nguyễn Hữu Trí - Trưởng khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho hay, ông và ê kíp vừa nội soi gắp thành công cây tăm xỉa răng đâm vào 2 đầu tá tràng của một cụ bà 92 tuổi nhưng bệnh nhân không hay biết dị vật rơi vào từ lúc nào.

tam-xia-rang-bi-bo-quen-trong-ta-trang-cu-ba-92-tuoi-hinh-anh-1(1).png
Sau khi  gắp tăm xỉa răng ra khỏi tá tràng, hiện bệnh nhân đã giảm đau bụng, không thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa - Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, theo người nhà của bệnh nhân, trước nhập viện 10 ngày, bệnh nhân đau bụng âm ỉ, liên tục vùng thượng vị lan ra nửa bụng trái, cơn đau tăng sau khi ăn, kèm đi cầu phân lỏng 3 - 4 lần /ngày.

Bệnh nhân đi khám ở bệnh viện gần nhà nhưng bụng vẫn đau dữ dội, người nhà lo lắng nên đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM.

Tại đây, các bác sĩ cho tiến hành xét nghiệm máu, chụp CT scanner ổ bụng cho bệnh nhân thì phát hiện có dấu hiệu nhiễm trùng nên đã chỉ định nội soi thực quản dạ dày, kết hợp với điều trị nội khoa tích cực.

“Trong quá trình nội soi, chúng tôi phát hiện đoạn D2 tá tràng có dị vật dạng cây tăm xỉa răng đâm vào 2 đầu tá tràng chân vết găm có nhiều giả mạc trắng. Ê kíp nội soi nhẹ nhàng tiến hành gắp tăm ra bằng kìm chuyên dụng”, bác sĩ Trí chia sẻ và cho biết thêm: “ Sau khi gắp tăm xỉa răng ra khỏi tá tràng, bệnh nhân đã giảm đau bụng, không thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa”.

Theo bác sĩ Trí, việc nội soi với bệnh nhân này là một thách thức lớn của ê kíp. Bệnh nhân này quá lớn tuổi, sức khỏe yếu. Bệnh viện phải phối hợp nhiều chuyên khoa đánh giá đầy đủ chức năng hô hấp, tim mạch, phân tầng nguy cơ trước khi nội soi, để tránh trường hợp bỏ sót, phát hiện và điều trị trễ bệnh.

Ngoài ra, việc CT scanner ổ bụng 160 lát cắt có tiêm thuốc cản quang là kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, thực hiện nhanh, có giá trị cao trong trường hợp bệnh nhân đau bụng không rõ nguyên nhân, giúp gợi ý chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm ở vùng bụng.

tam-xia-rang-bi-bo-quen-trong-ta-trang-cu-ba-92-tuoi-hinh-anh.png
Tăm xỉa răng đâm vào 2 đầu tá tràng của bệnh nhân sau 10 ngày đã được các bác sĩ gắp ra ngoài - Ảnh: BVCC

Qua trường hợp trên, bác sĩ Trí khuyến cáo, bệnh nhân khi có dấu hiệu đau bụng vùng trên rốn, là biểu hiện thường gặp của viêm dạ dày, vì vậy không nên chủ quan cho rằng đó là triệu chứng viêm dạ dày sẽ bỏ sót nhiều nguyên nhân nguy hiểm, nhất là trường hợp bị dị vật đường tiêu hóa găm vào phần niêm mạc tá tràng, có biểu hiện viêm nhiễm tại chỗ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm (nội soi gắp dị vật) sẽ có nguy cơ tạo áp xe, thủng tá tràng và phải can thiệp phẫu thuật.

Ngoài ra, một số nguyên nhân nguy hiểm khác cũng gây đau bụng vùng trên rốn như: vỡ phình động mạch chủ bụng, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, áp xe gan… Chính vì vậy, khi có triệu chứng đau bụng, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được đánh giá đầy đủ về thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và hình ảnh học (siêu âm, X-quang, CT scanner, nội soi…).

Hồ Quang