Đằng sau MV gây sốt của 4 mỹ nhân ảo trong metaverse

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:57, 14/03/2023

Cách đây hơn 1 tháng, MV Pandora của MAVE (4 nữ ca sĩ ảo xinh đẹp Hàn Quốc) đã gây sốt, đạt hơn 2 triệu lượt xem trên YouTube và tạo tiền đề cho thành công tiềm năng trên toàn cầu.

Thoạt nhìn, MAVE trông giống bất kỳ nhóm nhạc nữ K-pop thần tượng nào ngoại trừ việc chỉ tồn tại ảo. Bốn thành viên nữ xinh đẹp của MAVE gồm SIU, ZENA, TYRA và MARTY sống trong metaverse. Bài hát, điệu nhảy, cuộc phỏng vấn và thậm chí cả kiểu tóc của họ do các nhà thiết kế web và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.

Han Su-min (19 tuổi ở Seoul, thủ đô Hàn Quốc) cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy MAVE, tôi hơi bối rối không biết họ là người hay nhân vật ảo. Vì tôi thường xuyên sử dụng các nền tảng metaverse với bạn bè nên tôi cảm thấy mình có thể trở thành người hâm mộ của họ".

Các hình đại diện gần giống con người của MAVE cung cấp cái nhìn sơ bộ về khả năng phát triển của metaverse khi ngành công nghiệp giải trí và công nghệ Hàn Quốc bắt tay với công nghệ non trẻ này.

MAVE cũng thể hiện sự thúc đẩy nghiêm túc của gã khổng lồ công nghệ Kakao Corp để trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực giải trí. Ngoài việc hỗ trợ MAVE, Kakao Corp đã đưa ra đề nghị đấu thầu trị giá 1,25 ngàn tỉ won (960 triệu USD) vào tuần trước để mua SM Entertainment, nhà tiên phong K-pop của Hàn Quốc.

SM Entertainment là ngôi nhà chung của các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng như Girls' Generation, H.O.T., EXO, Red Velvet, Super Junior, SHINee, NCT Dream và Aespa.

Kakao Corp từ chối bình luận về cách công ty sẽ cân bằng nhu cầu quản lý các ban nhạc thực và ảo.

Việc đặt cược của Kakao Corp vào metaverse là sự đối lập với xu hướng toàn cầu. Các hãng công nghệ lớn từ Meta Platforms (công ty mẹ Facebook) đến Tencent Holdings (Trung Quốc) đang cắt giảm chi tiêu trên thế giới ảo để vượt qua khó khăn kinh tế.

Trước đó, Kakao Corp cho biết đã đầu tư 12 tỉ won vào Metaverse Entertainment, công ty con được thành lập cùng hãng game Netmarble Corp để tạo ra MAVE. Thế nhưng, Kakao Corp từ chối đưa ra bất kỳ dự báo thu nhập nào từ liên doanh.

MAVE là một dự án "đang diễn ra" nhằm khám phá các cơ hội kinh doanh mới và tìm cách giải quyết những thách thức về công nghệ, theo Chu Ji-yeon, người đứng đầu Metaverse Entertainment.

dang-sau-mv-gay-sot-cua-4-co-gai-ao-trong-metaverse.jpg
Đoạn phim của nhóm nhạc nữ ảo MAVE được phát tại phòng điều khiển của đài MBC ở Seoul - Ảnh: Reuters

Nói 4 ngôn ngữ

Ý tưởng nghệ sĩ ảo không phải là mới ở Hàn Quốc. Năm 1998, ca sĩ ảo Adam được ra mắt. 2 thập kỷ sau, nhóm nhạc nữ K-pop K/DA, lấy cảm hứng từ các nhân vật trong game Liên minh huyền thoại, cũng trình làng. Cả hai đều không "cất cánh".

Song kể từ đó, công nghệ Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo ra các nhân vật ảo. MAVE trông tự nhiên hơn nhờ các công cụ mới và AI mà các nhà phát triển đã sử dụng để tạo biểu cảm trên khuôn mặt cùng các chi tiết nhỏ như vệt tóc.

Với sự hỗ trợ của bộ tạo giọng nói AI, các thành viên MAVE có thể nói 4 thứ tiếng - Hàn, Anh, Pháp và Bahasa. Thế nhưng, chúng không thể nói theo lời nhắc và phải dựa vào các kịch bản do con người chuẩn bị.

Giọng của MAVE trong đĩa đơn đầu tay Pandora và vũ đạo trong MV được tạo ra bởi những người biểu diễn con người rồi xử lý bằng công nghệ ghi lại chuyển động và dựng hình 3D thời gian thực.

Các chuyên gia cho rằng đại dịch đã hỗ trợ sự phát triển của những nhân vật ảo như vậy, khi nhiều công ty K-pop chuyển hướng sang nội dung trực tuyến để thỏa mãn người hâm mộ ở nhà.

Lee Jong-im, nhà phê bình văn hóa đại chúng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Seoul, nói: “Người hâm mộ đã quen với việc xem nội dung và giao tiếp không trực tiếp với các nhóm nhạc thần tượng của họ trong gần ba năm. Có vẻ như họ đã dần chấp nhận ý tưởng rằng các nhóm nhạc thần tượng ảo và thực tế có thể hòa nhập".

dang-sau-mv-gay-sot-cua-4-my-nhan-ao-trong-metaverse1.jpg
Roh Shi-yong, nhà sản xuất chương trình "Show! Music Core" của đài MBC tại Seoul, phát biểu khi MV MAVE được phát- Ảnh: Reuters

Trong khi các nhóm ảo như MAVE đang trở thành tâm điểm chú ý vì sự mới lạ, vẫn còn đó câu hỏi liệu họ có thể sánh được với sự tương tác giữa nhóm nhạc nổi tiếng thông thường với vô số người hâm mộ hay không.

Lee Gyu-tag, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, cho biết: "Thần tượng ảo sẽ di chuyển chính xác như cách chúng được tạo ra. Không có bất kỳ sự khó đoán nào, họ sẽ trở thành thứ gì đó gần với công nghệ video chứ không phải K-pop".

Tuy nhiên, những người tạo ra MAVE và các quan chức trong ngành giải trí đều lạc quan về tiềm năng của nó.

"Với rất nhiều bình luận nhận được từ khắp nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng khán giả thực sự muốn cái gì đó mới và họ khá cởi mở", theo Roh Shi-yong, nhà sản xuất chính của một chương trình âm nhạc hàng tuần trên đài truyền hình địa phương MBC đã phát sóng buổi biểu diễn của MAVE hai lần.

"Thời đại của thế giới ảo đang đến", Roh Shi-yong nói.

dang-sau-mv-gay-sot-cua-4-my-nhan-ao-trong-metaverse12.jpg
Lee Sang-heon, Giám đốc điều hành Metalocat, người tạo sân khấu ảo cho MAVE, làm việc tại Seoul - Ảnh: Reuters

Sơn Vân