Những điều đại kỵ không nên làm trong ngày mùng 1 Tết

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 01:35, 08/02/2016

Giao thừa và mùng 1 luôn là những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm. Vì vậy, có một số điều nhất định bạn phải tránh làm nếu không muốn cả năm khó "thuận buồm xuôi gió" về mọi mặt...

1. Kiêng quét nhà, hót rác

Dân gian cho rằng nếu quét nhà vào 3 ngày đầu năm thì cả năm đó gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Hoặc có thể quét nhà nhưng tập để rác ở một góc nhà chứ không hốt đi.

Tập tục này xuất phát từ truyền thuyết, ngày xưa ở Trung Hoa có một lái buôn thật thà tên là Âu Minh. Khi ông đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to.

Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. Như Nguyệt hoảng sợ trốn vào đống rác và sau đó biến mất tăm. Từ ngày đó, Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác.

Dân làng bàn tán xôn xao cho rằng Như Nguyệt là một vị thần đã mang lại sự giàu có, hưng thịnh mà nhà Âu không biết quý trọng. Từ đó, dân gian đã lập bàn thờ Như Nguyệt và đặt tên là Thần Tài với hy vọng vị thần này sẽ độ trì cho gia đình được nhiều tài lộc.

Cũng xuất phát từ truyền thuyết này mà ngày Tết, nhân dân có tục kiêng hốt rác trong ba ngày đầu năm vì sợ hốt mất Thần Tài ẩn trong đống rác đổ đi thì cả năm đó làm ăn sẽ thất bát.

Vì thế từ trước đó cho đến đêm giao thừa, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, đồng thời ý tứ ức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

Riêng ở Nam bộ người ta còn cho rằng sau khi quét dọn phải cất hết chổi, bởi nếu trong ngày Tết bị mất chổi là điềm gở, cả năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.

2. Kiêng xuất tiền của

Vào ngày đầu tháng, mọi người thường kiêng xuất tiền của vì sợ bị "dông" cả tháng. Vì thế ngày mùng 1 càng cần phải để ý điều này hơn. Bên cạnh đó, dân gian kiêng đi vay mượn người khác để không phải đi... vay tiền cả năm.

3. Kiêng cho nước, cho lửa

Có quan niệm cho rằng lửa tượng trưng cho may mắn nên ngày mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Nếu vẫn cố ý cho thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may mắn như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió.

Tương tự như vậy, nước cũng là thứ được liệt vào hàng "đại kỵ" trong việc xin xỏ vào ngày đầu năm mới. Nước được ví như nguồn tài lộc, nguồn công năng cho gia đình. Nếu cho nước thì sẽ bị mất “lộc”. Cũng bởi quan niệm này nên ngay từ những ngày cuối năm, dân gian luôn chủ động đưa nước đầy ắp lu vại, lửa hồng trong bếp để tránh phải đi xin mấy ngày đầu năm.

4. Kiêng không nói tới điều rủi ro, nói bậy

Nhiều người rất kiêng kỵ việc nói tới những điều rủi ro trong ngày đầu tháng vì sợ rằng cả tháng cũng sẽ gặp phải rủi ro như lời đã nói.

Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “Chết mất” hay ” Tiêu rồi”,”Hỏng rồi”.

Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

Nói bậy chửi tục chắc chắn cũng phản ánh một phần nào đó văn hóa của mỗi người. Đây cũng là điều mà rất nhiều người kiêng kỵ để không xuất hiện trong những ngày đầu tháng. Nhiều người quan niệm nếu đầu tháng mà nói bậy chửi tục thì cả tháng sẽ gặp những chuyện thị phi.

5. Kiêng đi chúc Tết vào sáng mùng 1

Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn.

Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới.

Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Xuất phát từ phong tục xông nhà xông, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày Mùng Một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.

Vì thế người ta nên tránh đi chúc Tết vào sáng Mùng Một nếu không được gia chủ mời vì sợ sẽ mang đến điều không tốt đẹp gia đình đó.

Người xông nhà được lựa chọn bởi các tiêu chí sức khỏe tốt, tình tình hiếu thuận, vui vẻ đặc biệt đang phát tài để xông đất. Vì thế người ta nên tránh đi chúc tết vào sáng Mùng Một, nếu không được gia chủ mời.

6. Kiêng đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, trượt ngã

Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình. Vì thế, trong ngày đầu tháng không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Theo quan niệm của ông bà, tổ tiên thì làm vỡ đồ đạc là sự chia ly, đau khổ và là một điềm báo không tốt cho cho gia đình bạn trong năm mới. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận với mọi đồ đạc trong gia đình để gia đình bạn sẽ không phải cãi vã nhau hay có chuyện buồn đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, trẻ con, thanh niên thường được người có tuổi dặn dò phải đi đứng cẩn thận, ngay ngắn trong ngày Tết, tránh trượt chân, vấp ngã vì như vậy sẽ bị dông cả năm. Trượt chân hay vấp ngã tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.

7. Kiêng không được cắt tóc, mặc áo trắng hoặc đen

Ngày mùng 1 âm lịch, rất nhiều người kiêng cắt tóc vì họ sợ nếu cắt tóc thì tài lộc sẽ tiêu hao suốt cả tháng đó.

Còn áo trắng, hay áo đen vốn chỉ nên dùng trong những lúc gia đình có tang. Vì thế nếu bạn không muốn một năm u ám thì hãy chọn quần áo có những gam màu thật tươi sáng nhé.

8. Kiêng một số món ăn

Theo quan niệm dân gian, nếu ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt, mực, xôi trắng vào ngày đầu tháng (từ mồng 1 - mồng 10) thì sẽ bị hãm tài, xúi quẩy, bệnh tật lâu khỏi, mất của, không may...
9. Kiêng đi chúc Tết khi đang mang thai và thăm người mới đẻ

Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người Việt xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện đại, nhiều phụ nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, bà chửa đem lại xui xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô duyên.

Tuy nhiên không chỉ riêng ngày Tết, vào những ngày thường, không ít người hiện nay vẫn từ bỏ việc quan trọng định làm trong ngày nếu “ra ngõ gặp gái chửa”, hoặc có cố làm thì trong bụng vẫn dự cảm thất bại, dẫn đến không an lòng và hậu quả là việc không thành.

Tương tự như vậy, dân gian cũng truyền lại rằng không nên đi thăm phụ nữ mới sinh vào ngày Tết. Thực ra, dân gian kiêng đi thăm gái đẻ trong vòng một tháng đầu không hoàn toàn là do mê tín. Trong vòng tháng đầu, cả mẹ lẫn bé đều đang rất bấy bớt, mệt mỏi, cần ngủ nhiều, cần được yên tĩnh và sạch sẽ. Nếu người đến thăm nhiều, ồn ã, bụi bậm sẽ nhiễm vào mẹ và bé, ngay cả nếu như khách bị cảm cúm, bệnh tật, sẽ càng nguy hiểm hơn.

Trên đây là nhu75nh điều đại kỵ trong ngày mùng 1 mà bạn nên biết để sẵn sàng đón một cái Tết thật ấm áp, an lành, hạnh phúc.

Nhật Linh (Tổng hợp)
(Thông tin mang tính tham khảo)