Hà Nội đề xuất bù giá SGK trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Giáo dục - Ngày đăng : 21:30, 14/03/2023

Chiều 14.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Hà Nội về vấn đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.

Hà Nội vẫn gặp nhiều hạn chế khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho biết hiện ngành giáo dục thủ đô gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể như các mạng lưới trường học còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học...

Sự chênh lệch về cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, kỹ năng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin giữa quận, huyện và giữa các cấp học, bậc học. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được nâng cấp thường xuyên... Biên chế được giao giảm 10%, do đó không đáp ứng được định mức theo quy định của Bộ GD-ĐT nên khi tăng học sinh, tăng lớp, tăng trường dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên xảy ra khi trường tăng lớp, số thừa hầu hết ở khối THPT do học sinh được lựa chọn môn học .

Để tháo gỡ khó khăn, thành phố đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên. Tuy nhiên do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao... nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.

doan-giam-sat1.jpg
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Internet

Việc tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp còn gặp khó khăn do khó xác định số lượng cụ thể của từng bộ môn trong môn học đó. Đối với các môn Tin học, Ngoại ngữ (bậc tiểu học), đặc biệt là môn Tin học, do chế độ đãi ngộ thấp nên không thu hút được sinh viên sau tốt nghiệp nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên được tuyển dụng ít, không đủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm nên việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, kế hoạch môn học gặp khó khăn nhất định. Phối hợp giữa các trường phổ thông với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... trong hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh chưa thực sự hiệu quả.

Hà Nội cũng đề xuất Quốc hội cần xem xét ban hành chính sách, chế độ đặc thù về phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành GD-ĐT. Ngoài ra cần có chính sách về bù giá SGK cho học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh cả nước nói chung. Đối với địa bàn khó khăn, người dân thu nhập thấp cần có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí mua SGK để học sinh sử dụng chung. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về phương pháp xác định, thẩm quyền quyết định mức giá tối đa, mức giá cụ thể đối với mặt hàng này.

Hà Nội cũng đề xuất thực hiện thêm về việc xây thêm các trường học theo quy định; đề xuất Bộ GD-ĐT tăng cường công tác chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả, thiết thực; sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện cho đơn vị có thời gian nghiên cứu, triển khai hiệu quả nhất. Cần sớm triển khai bộ SGK các lớp 4, 11, 12 để các trường, giáo viên có thời gian nghiên cứu, lựa chọn bộ sách phù hợp...

Hà Nội cần công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK

Sau khi nghe báo cáo, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động trong các chương trình triển khai SGK hay Chương trình giáo dục phổ thông mới của Hà Nội. Hà Nội hiện nay là địa phương có đa dạng các loại hình trường học và vùng miền nên sẽ có nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho chuyên đề giám sát.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng yêu cầu Hà Nội cần công khai và minh bạch trong việc lựa chọn SGK, công khai giá thành SGK có phù hợp thu nhập của đại đa số người dân hay không. Hà Nội cũng cần công bố tài liệu giáo dục địa phương chưa được in ấn, phát hành; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ dạy và học...; trao đổi về công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ...

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đại diện đoàn đã yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thành phố dành nguồn vốn mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Đồng thời, Sở GD-ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình trường chuẩn quốc gia; khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3 và lớp 7 năm học 2022-2023. Đặc biệt cần chú ý trong dự kiến việc mua sắm đối với khối các trường trực thuộc, trường THPT.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục của TP.Hà Nội cũng như trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhờ đó, chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội thực hiện cơ bản thuận lợi.

Ông Vinh cũng khẳng định, đổi mới đương nhiên là khó, nhưng phải làm, quan trọng trong quá trình đó thấy hết được những thuận lợi, khó khăn, đánh giá khách quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì mục tiêu chung là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Hải Yến