TikTok xem xét tách khỏi ByteDance để tránh bị cấm tại Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 09:41, 15/03/2023
Việc thoái vốn, có thể dẫn đến việc bán hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), là phương sách cuối cùng và sẽ chỉ được thực hiện nếu đề xuất hiện tại của TikTok với các quan chức an ninh quốc gia Mỹ không được chấp thuận, theo Bloomberg.
TikTok và ByteDance đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi về vấn đề này của Reuters.
Ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám đang bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét về an ninh quốc gia và năm ngoái TikTok đã đồng ý thực hiện một số biện pháp theo kế hoạch, gọi là "Dự án Texas", nhằm xoa dịu các nhà làm luật.
Theo báo cáo, CFIUS đã gặp phải sự chậm trễ trong thủ tục khiến TikTok không chắc liệu các kế hoạch của mình có đủ để tiếp tục hoạt động ở Mỹ hay không. Các thành viên CFIUS từ Bộ Tư pháp Mỹ đã không sẵn sàng chấp nhận đề xuất của TikTok.
Được hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng, TikTok ngày càng bị chỉ trích dữ dội vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc, làm suy yếu các lợi ích an ninh của phương Tây.
Theo tờ Wall Street Journal, Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, đã đồng ý tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ vào ngày 23.3 tới. Đây sẽ là lần đầu tiên Giám đốc điều hành TikTok xuất hiện ở một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ và đối mặt với các chất vấn trước một ủy ban Quốc hội.
CFIUS, cơ quan an ninh quốc gia quyền lực, vào năm 2020 đã nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn 2 năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt và bác bỏ các cáo buộc làm gián điệp.
Nhà Trắng cho biết ủng hộ luật do 12 Thượng nghị sĩ đưa ra hôm 7.3 nhằm trao cho chính quyền Biden quyền hạn mới để cấm ứng dụng TikTok và các công nghệ nước ngoài khác nếu chúng gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Sự ủng hộ thúc đẩy nỗ lực của nhiều nhà làm luật nhằm cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance.
Dự luật cho phép Bộ Thương mại Mỹ có khả năng áp đặt các hạn chế đến việc cấm TikTok và các công nghệ khác có tiềm năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, theo lời của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo.
Ông cho biết dự luật cũng sẽ áp dụng cho các công nghệ nước ngoài từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran, Venezuela và Cuba.
TikTok cho biết trong một tuyên bố rằng: "Bất kỳ lệnh cấm nào của Mỹ với TikTok là lệnh cấm xuất khẩu văn hóa và giá trị của người Mỹ đến hơn 1 tỉ người sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên toàn thế giới".
Dự luật sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo xác định và giải quyết các mối đe dọa từ nước ngoài với các sản phẩm cùng dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
Nhóm do Mark Warner và John Thune (Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa) dẫn đầu bao gồm các đảng viên Dân chủ Tammy Baldwin, Joe Manchin, Michael Bennett, Kirsten Gillibrand và Martin Heinrich cùng các đảng viên Cộng hòa Deb Fischer, Jerry Moran, Dan Sullivan, Susan Collins và Mitt Romney.
Mark Warner cho biết điều quan trọng là chính phủ phải thực hiện nhiều hơn để làm rõ những gì họ tin là rủi ro an ninh quốc gia với Mỹ từ việc sử dụng TikTok.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan tán thành dự luật lưỡng đảng, nói rằng nó "sẽ tăng cường khả năng của chúng ta trong việc giải quyết các rủi ro riêng biệt do các giao dịch cá nhân gây ra và rủi ro hệ thống do một số loại giao dịch liên quan đến các quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm gây ra”.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về dự luật này, đồng thời kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng để gửi nó tới bàn của Tổng thống", Jake Sullivan nói trong một tuyên bố.
Hôm 1.3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu theo đường lối đảng phái về dự luật do Michael McCaul (dân biểu Cộng hòa) tài trợ để trao cho ông Biden quyền cấm TikTok sau khi Tổng thống Mỹ trước đó là Donald Trump bị tòa án cản trở nỗ lực cấm TikTok và WeChat vào năm 2020.
"TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia, đã đến lúc hành động. Bất cứ ai tải ứng dụng TikTok về thiết bị đều đồng nghĩa đã mở đường tiếp cận thông tin cá nhân của họ. Đó là khí cầu do thám trên điện thoại", Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tuyên bố.
Các đảng viên đảng Dân chủ phản đối dự luật của Michael McCaul, nói rằng động thái này là vội vàng và cần có sự thẩm định thông qua tranh luận, tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Một số dự luật lớn nhắm vào Trung Quốc như dự luật tài trợ chip phải mất 18 tháng để được thông qua. Michael McCaul cho biết ông nghĩ rằng toàn bộ Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về dự luật trong tháng này.
Hôm 27.2, Nhà Trắng đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo không có ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống liên bang.
Trong nỗ lực giữ an toàn cho dữ liệu của Mỹ, tất cả cơ quan liên bang Mỹ phải loại bỏ TikTok khỏi smartphone và hệ thống. Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ nói điều này với các cơ quan liên bang trong một thông báo hướng dẫn mà Reuters nhìn thấy.
Được Quốc hội Mỹ đưa ra cuối năm 2022, lệnh cấm này theo sau các hành động tương tự từ Canada, Liên minh châu Âu (EU), Đài Loan và hơn một nửa số bang của Mỹ.
Trong khi không ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, lệnh cấm nêu trên tiếp thêm động lực cho những lời kêu gọi cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance. Những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan Trung Quốc đã gia tăng những tuần gần đây sau khi một khí cầu của cường quốc châu Á bay qua nước Mỹ.
TikTok cho biết những lo ngại được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch và phủ nhận việc sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ.
Vào tháng 12.2022, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và cho chính quyền ông Biden 60 ngày để ban hành chỉ thị với các cơ quan. Cuộc bỏ phiếu này là hành động mới nhất của các nhà làm luật Mỹ nhằm trấn áp các công ty Trung Quốc trong bối cảnh an ninh quốc gia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các ứng dụng để do thám người Mỹ.
Chris DeRusha, Giám đốc An ninh Thông tin Liên bang Mỹ, cho biết: "Hướng dẫn này là một phần trong cam kết liên tục của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng tôi cũng như bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ".
Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ bao gồm Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ trước cuộc bỏ phiếu.
Lệnh cấm TikTok không áp dụng nếu có các hoạt động nghiên cứu an ninh, thực thi pháp luật hoặc an ninh quốc gia nhưng lãnh đạo cơ quan phải phê duyệt các hoạt động này và "không được phép áp dụng các ngoại lệ chung cho toàn bộ cơ quan", theo thông báo hướng dẫn của Shalanda Young.
Thông báo hướng dẫn của Nhà Trắng cho biết trong vòng 90 ngày, các cơ quan phải giải quyết mọi hoạt động sử dụng TikTok của các nhà cung cấp CNTT thông qua hợp đồng và trong 120 ngày, các cơ quan sẽ đưa ra lệnh cấm với TikTok theo tất cả yêu cầu mới.
Hôm 6.2, Tổng thống Joe Biden cho biết ông không chắc liệu Mỹ có cấm ứng dụng TikTok hay không.
"Tôi không chắc. Tôi biết tôi không có nó trên điện thoại của mình", Tổng thống Mỹ nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên về TikTok sau khi trở về Washington D.C từ kỳ nghỉ cuối tuần ở Trại David.
Trại David là khu nghỉ dưỡng truyền thống của Tổng thống Mỹ, nằm tại vùng núi phía tây bang Maryland và cách thủ đô Washington D.C gần 100km. Ẩn mình trong vùng núi non bang Maryland, Trại David từ lâu là nơi để các Tổng thống Mỹ nghỉ ngơi và tránh khỏi những ồn ào, ngột ngạt ở Nhà Trắng.