Vụ thất thoát hơn 180 tỉ đồng: Cựu Giám đốc ngân hàng bị đề nghị xử phạt 8 - 9 năm tù
Sự kiện - Ngày đăng : 12:29, 15/03/2023
Ngày 15.3, đại diện VKS đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 5 bị cáo thuộc BIDV Thành Đô, gồm Đỗ Quốc Hùng (cựu Giám đốc BIDV Thành Đô) từ 8 - 9 năm tù; Lưu Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc) từ 7 - 8 năm tù; Nguyễn Văn Hà (cựu Phó trưởng phòng tín dụng) từ 5 - 6 năm tù; Phạm Anh Tài (cựu Trưởng phòng tín dụng) và Lại Minh Ngọc (cựu Trưởng phòng thẩm định) cùng bị đề nghị từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù.
Ngoài ra, 2 bị cáo Lê Vũ Thanh (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và Đỗ Xuân Khoan (cựu Phó trưởng phòng tín dụng BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) cùng bị đề nghị từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Kenmark, 7 bị cáo trong vụ án và ông Bùi Văn Bốn (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Bắc Kạn) phải liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả cho BIDV số tiền dư nợ gốc đến nay là hơn 178 tỉ đồng.
Đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro
Theo VKS, trong thời gian từ ngày 4.12.2007 đến ngày 11.12.2007, tổ thẩm định Dự án Việt Hòa - Kenmark thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn, trong khi hồ sơ của công ty này không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng.
VKS nhận thấy, dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, không khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật; năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết, nhưng Tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định dự án đầu tư của Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư có hiệu quả, khả thi, hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Điều này dẫn đến việc giải quyết cho vay 52 triệu USD và hơn 57 tỉ đồng trái quy định, không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của BIDV.
Do đó, khi Công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Kenmark đối trừ số tiền cho công ty này vay - tính đến ngày khởi tố vụ án - dư nợ không có khả năng thu hồi của Kenmark tại Ngân hàng BIDV, SHB, HBB là hơn 15,5 triệu USD, tương đương hơn 360 tỉ đồng.
Đến nay, dù các bị cáo đã nộp tiền khắc phục thiệt hại nhưng số tiền dư nợ không thu hồi được từ Công ty Kenmark tại 3 chi nhánh BIDV là hơn 178 tỉ đồng.
VKS nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong lĩnh vực cho vay của các tổ chức tín dụng.
Để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện cũng như tạo hành lang pháp lý giúp cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, theo VKS, không phải vì thế mà các tổ chức tín dụng khi được Nhà nước trao quyền lại không thận trọng trong triển trai khi thực hiện, không đánh giá đúng các yếu tố, nguy cơ rủi ro, không đánh giá đúng năng lực tài chính...
Trong vụ án này, VKS xác định, bị cáo Đỗ Quốc Hùng (cựu Giám đốc chi nhánh BIDV Thành Đô) chịu trách nhiệm chính. Khi kiểm tra lại kết quả thẩm định của Tổ thẩm định chung, bị cáo Hùng đã thấy Công ty Kenmark và chủ sở hữu là Công ty Cheermaster có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam.
Mặt khác, bị cáo Hùng cũng thấy bên bảo lãnh là Công ty Kenmark Industrial không có tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty Kenmark, dự án không khả thi, không đảm bảo các điều kiện vay theo quy định của BIDV, nhưng bị cáo Hùng vẫn ký văn bản đề nghị lãnh đạo BIDV phê duyệt cho vay. Đồng thời, bị cáo không chỉ đạo thực hiện việc giải ngân 2 bước theo đúng chỉ đạo của hội sở…