Giảm lãi suất điều hành: Động thái 'mạnh dạn' khi thị trường biến động
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:33, 16/03/2023
Như Một Thế Giới đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh giảm 1% các loại lãi suất điều hành, đồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm. Theo các chuyên gia, đây là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán và tạo thêm trợ lực cho thị trường phục hồi.
Xung quanh thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái khá mạnh dạn trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.
Theo TS Lực, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, đây là điều chỉnh cần thiết khi số liệu thống kê tình hình doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro không lường trước như lạm phát, căng thẳng địa chính trị, rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính..., TS Lực cho rằng đây là một trong những giải pháp kịp thời, thể hiện nỗ lực trong việc kiểm soát yếu tố bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô. Song, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục từng bước thận trọng bám sát diễn biến của thị trường để có hành động phù hợp với mục tiêu chính là hạ nhiệt lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm một số loại lãi suất điều hành sẽ là cơ hội định hướng cho các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay; từ đó hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VNĐ hay hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, việc hỗ trợ có định hướng chứ không phải tất cả các lĩnh vực", ông Lực nhấn mạnh
Để chính sách giảm lãi suất điều hành hiệu quả, ông Lực khuyến cáo không nên chủ quan với lạm phát cho dù lạm phát đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phối hợp tích cực giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các rào cản pháp luật, quy trình thủ tục hành chính, nhất là với một số lĩnh vực tác động lớn như đất đai, bất động sản... để tạo điều kiện, giảm khó khăn cho doanh nghiệp thời gian tới.
Từ tháng 1.2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn đồng Việt Nam (VNĐ) vào lưu thông.
Ngày 13.3, tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 đồng/USD, tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.555 đồng/USD, giảm 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá niêm yết mua/bán của Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương ở mức 23.400/23.740 đồng/USD, tương đương mức cuối năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này. Đồng thời, cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Trong tháng 2.2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng.
Đến nay, mặt bằng lãi suất dần ổn định. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,4%/năm. Trong đó nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng tổ chức tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tính đến ngày 9.3.2023, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.
Điều đặc biệt chú ý là động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22.3.2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.
"Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.