Phi hành gia NASA sẽ được mặc những bộ đồ du hành vũ trụ đẹp hơn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:35, 16/03/2023

Khi đặt chân lên bề mặt Mặt trăng vào cuối năm 2025, các phi hành gia NASA sẽ được mặc bộ đồ đẹp và cơ động hơn, với các kích cỡ khác nhau cho từng người.
nasa-suit-ap.jpg
Kỹ sư trưởng Jim Stein mặc bộ đồ bay thử nghiệm - Ảnh: AP

Axiom Space, công ty thiết kế bộ đồ phi hành gia thế hệ tiếp theo cho NASA, đã giới thiệu mẫu bộ đồ bay thử nghiệm tại Trung tâm Không gian Johnson ở thành phố Houston hôm 15.3. Sản phẩm này có tên chính thức là Axiom Extravehicular Mobility Unit (AxEMU), khi hoàn thiện sẽ trang bị các thiết bị hiệu suất cao cho các phi hành gia khám phá không gian.

Russell Ralston, Phó giám đốc chương trìnhAxEMU của Axiom Space nói rằng có thể xem “bộ trang phục bảo hiểm di động này giống như một hồ tắm hơi sang trọng kết hợp với máy điều hòa không khí”. Ông lưu ý “một di sản từ thời sứ mệnh Apollo là các nhà phi hành tương lai sẽ vẫn mặc tã bên trong bộ đồ vì đó là một giải pháp rất hiệu quả”.

Bộ đồ phi hành gia thế hệ mới được chế tạo để tăng tính linh hoạt với nhiều lớp bảo vệ tốt hơn. Lớp ngoài bộ đồ có màu đen kết hợp màu xanh và cam nhằm giấu mẫu mã. Phiên bản cuối cùng sẽ có màu trắng để chống nhiệt và che chắn nhà phi hành khỏi môi trường khắc nghiệt, giúp họ có thể đi bộ trên Mặt trăng trong điều kiện mát mẻ. Ngoài ra, sản phẩm còn có các ba lô hệ thống hỗ trợ cuộc sống và một thiết bị có độ phân giải cao trên đỉnh mũ bảo hiểm.

nasa-suit.jpg
Kỹ sư trưởng Jim Stein vẫy tay nhằm chứng tỏ sự linh hoạt của bộ đồ thử nghiệm - Ảnh: AP

Được trang bị các công nghệ tiên tiến, bộ đồ phi hành gia AxEMU sẽ cho phép các nhà phi hành khám phá bề mặt Mặt trăng hiệu quả hơn trong 8 giờ, theo Axiom Space.

NASA đã ký hợp đồng trị giá 228,5 triệu USD với Axiom Space để thiết kế bộ đồ bay mới cho sứ mệnh Artemis. Công ty tư nhân này cho biết họ dự kiến sẽ cung cấp mẫu trang phục bay mới cho mục tiêu huấn luyện của NASA vào cuối mùa hè tới.

NASA hiện đang thực hiện sứ mệnh Artemis với hy vọng đưa hai phi hành gia trở lại Mặt trăng vào cuối năm 2025. Nếu thành công thì đó sẽ là cuộc đổ bộ đầu tiên xuống Mặt trăng kể từ sau khi Mỹ kết thúc sứ mệnh Apollo hồi năm 1972.

Cho đến nay, đã có 12 nhà phi hành Mỹ đặt chân lên Mặt trăng. Dự kiến ngày 3.4 tới, NASA sẽ công bố tên của các nhà phi hành sẽ tham gia sứ mệnh Artemis 2 bay vòng quanh Mặt trăng vào năm 2024. Qua năm 2025, NASA sẽ thực hiện sứ mệnh Artemis 3, với kế hoạch đưa 2 nhà du hành không gian đổ bộ xuống phía nam Mặt trăng. 

Trước đó, sứ mệnh Artemis 1 với 3 hình nộm (mô phỏng 3 thành viên phi hành đoàn) được phóng vào ngày 16.11.2022. Tàu vũ trụ Orion được hệ thống phóng không gian (SLS) - hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được NASA chế tạo - phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ).

Chuyến bay quan trọng này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các hệ thống trên tàu và đảm bảo rằng Orion an toàn để chở người cho chuyến hành trình đến Mặt trăng.

Orion đã bay 64.000km phía ngoài Mặt trăng, xa hơn 48.000km so với kỷ lục lập bởi tàu Apollo 13. Lộ trình này mô phỏng chuyến bay mà phi hành đoàn Artemis 2 sẽ thực hiện vào năm 2024. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA. Sau 25 ngày bay vòng quanh Mặt trăng, tàu Orion đã trở về Trái đất vào ngày 11.12.2022, kết thúc sứ mệnh Artemis 1. 

Bảo Vĩnh