Công an TP.HCM: Dự kiến sau 1 tháng mới có kết quả điều tra vụ “con cấp cứu ở bệnh viện”
Sự kiện - Ngày đăng : 19:26, 16/03/2023
Chia sẻ về kết quả điều tra vụ việc lừa đảo “con cấp cứu ở bệnh viện”, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng tham mưu, Công an TP.HCM đã cho biết như thế với báo chí vào chiều 16.3.
Theo ông Hà, các đối tượng giả danh giáo viên, bác sĩ điện thoại thông báo cho phụ huynh học sinh “con cấp cứu ở bệnh viện” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vụ việc lừa đảo qua mạng, việc điều tra gặp khó khăn nhất định. Các đối tượng lừa đảo thường có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thực hiện hành vi gián tiếp qua công nghệ thông tin.
“Vụ việc lừa đảo trên mạng này có tính chất phức tạp, tinh vi nên việc điều tra gặp khó khăn, kéo dài. Dự kiến khoảng 1 tháng sau, Công an TP sẽ thông tin cụ thể kết quả điều tra vụ việc”, ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, vụ việc giả danh giáo viên, bác sĩ điện thoại thông báo cho phụ huynh học sinh “con cấp cứu ở bệnh viện” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nội dung được cử tri TP đặc biệt quan tâm.
“Bộ Công an đã có văn bản trả lời cử tri TP và chỉ ra các giải pháp ngăn chặn. Bộ Công an đang phối hợp với các nhà mạng để ngăn chặn tình trạng sử dụng điện thoại để lừa đảo”, ông Hà nói.
Trước đó, Một Thế Giới thông tin hàng loạt bệnh viện trên địa bàn TP.HCM như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Xuyên Á… đã nhận hàng chục cuộc điện thoại tìm con vì có thông tin “con cấp cứu ở bệnh viện”. Theo đó, những người lạ mặt này tự xưng là giáo viên, hoặc bác sĩ điện thoại cho các phụ huynh thông báo con của họ bị tai nạn ở trường được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cần phải mổ gấp, đề nghị phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản để mổ. Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng, hoang mang nên chưa kịp kiểm chứng thông tin đã chuyển tiền vào tài khoản của những người lạ mặt này từ vài chục triệu đồng, đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi các phụ huynh xác minh lại ở trường và ở bệnh viện thì phát hiện con mình vẫn khỏe mạnh, đang học bình thường.
Các bệnh viện đã khuyến cáo phụ huynh nên giữ chặt chẽ mối liên hệ với giáo vụ của trường, hay giáo viên chủ nhiệm. Khi có thông tin dạng vậy, phụ huynh có thể gọi ngay cho giáo viên chủ nhiệm, hoặc giáo vụ của trường để biết thực hư.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên; yêu cầu nhà trường lưu ý phụ huynh cảnh giác khi người lạ đề nghị chuyển tiền.