Quảng Nam: Nóng chuyện khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:45, 17/03/2023

Nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng, vật liệu cát, sỏi, đất, đá… được bán với giá cao gấp nhiều lần so với dự toán nhà nước, nhưng các chủ mỏ vẫn từ chối xuất hoá đơn.

Thời gian qua, việc khai thác, kinh doanh các loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trở thành điểm nóng được dư luận quan tâm.

Một số doanh nghiệp có thể khai thác ngoài diện tích giấy phép được cấp hoặc vượt công suất giấy phép; khai thác xong chậm hoặc không thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như: bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị thực tế thanh toán; không niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ...

Tại khu vực các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước giá cát cũng ở mức 350.000 đồng/m3… Nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng vật liệu cát, sỏi, đất, đá… được bán với giá cao gấp nhiều lần so với dự toán nhà nước, nhưng các chủ mỏ vẫn từ chối xuất hóa đơn.

Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ triển khai các giải pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi như thu hồi giấy phép, thậm chí cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn nếu doanh nghiệp liên tục vi phạm.

Tại các buổi làm việc bàn giải pháp siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất đá... với các ngành chức năng, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định trong giấy phép khai thác nêu rất rõ có bao nhiêu xe ở đó, loại xe gì, khai thác vào khung giờ nào, khai thác bao nhiêu. Phải quản lý chặt chẽ những nội dung này. Trách nhiệm của cơ quan thuế đến đâu, các địa phương đến đâu. Đồng thời, ông Thanh chỉ đạo: “Cần nghiên cứu biện pháp quản lý hiệu quả hơn, không được mang tính hình thức. Xử lý nghiêm nếu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cố tình vi phạm, nhất là đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần thì đề nghị thu hồi giấy phép, thậm chí xem xét cấm doanh nghiệp đó hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản. Cục Thuế tỉnh cùng với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kê khai nộp thuế, xuất hóa đơn bán hàng. Đơn vị nào trung bình 2 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước.

Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Công tác quản lý khai thác cát, sỏi của các địa phương và cơ quan chức năng vô cùng lỏng lẻo, gây thất thoát khoáng sản rất lớn. Chính quyền có cả bộ máy và hệ thống giám sát nhưng thực tế gần như không giám sát được. Theo quy định, giá cát niêm yết tại mỏ là 150.000 đồng/m3 nhưng thực tế muốn mua được cát, doanh nghiệp phải trả tiền mặt với giá cắt cổ mà không có hoá đơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hiện rất thiếu chặt chẽ. Tại tất cả các mỏ cát, bến bãi tập kết cát đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhưng thẻ nhớ các camera chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày… 

Hơn nữa ông Tiếp thừa nhận: “Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ, nếu người ta muốn gian dối cũng có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng. Cần có giải pháp công nghệ chuyên nghiệp và thực tế hơn, giao việc giám sát này cho các huyện quản lý sẽ chặt chẽ hơn”.

Quế Sơn