Credit Suisse gặp khó là mối nguy lớn cho thị trường tài chính toàn cầu

Quốc tế - Ngày đăng : 14:15, 17/03/2023

Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi và là tổ chức cho vay lớn thứ hai Thụy Sĩ đang chìm trong khó khăn.

Cổ phiếu Credit Suisse trong ngày 15.3 giảm đến 30% giá trị vì đợt bán tháo bởi thông tin nhà đầu tư lớn nhất của họ không thể cấp thêm tài chính. Ngân hàng đã cứu vãn tình hình bằng cách vay 53,7 tỉ USD từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB), đồng thời, mua lại một số khoản nợ.

Khó khăn của Credit Suisse làm lấy lên lo ngại trên khắp các thị trường toàn cầu, diễn biến sắp tới sẽ tác động sâu rộng đến toàn hệ thống tài chính.

Vị thế Credit Suisse

Credit Suisse nằm trong số các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, được Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) - cơ quan giám sát quốc tế - xếp loại là “ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống quy mô toàn cầu” cùng 30 tổ chức khác trong đó có JPMorgan Chase, Bank of America, Bank of China.

Theo chuyên gia Andrew Kenningham (Công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics): “Credit Suisse là mối lo lớn hơn nhiều so với các ngân hàng cấp khu vực ở Mỹ sụp đổ tuần trước. Credit Suisse có nhiều liên kết trên toàn cầu hơn nên đây là vấn đề không chỉ của Thụy Sĩ mà của toàn cầu”.

cs.jpg
Credit Suisse có hơn 100 năm hoạt động - Ảnh: CNA

Vì sao Credit Suisse gặp khó?

Thời gian qua, các ngân hàng trung ương đã không ngần ngại tăng mạnh lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao khiến ngân hàng thương mại chịu thiệt hại.

Những lo ngại ngân hàng thương mại suy yếu bùng nổ vào tuần trước, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ. Tác động từ sự kiện này lan rộng đến nhiều tổ chức đang gặp khó khăn khác trong đó có Credit Suisse.

Capital Economics cho biết, vấn đề Credit Suisse đang gặp phải khác với vấn đề khiến SVB sụp đổ, nhưng tất cả đều là diễn biến nhắc nhở rằng, khi lãi suất tăng thì các lỗ hổng lâu nay sẽ rình rập hệ thống tài chính.

Credit Suisse đã gặp khó khăn suốt nhiều năm. Chuyên gia Kenningham đánh giá ngân hàng này là tổ chức yếu nhất trong số các ngân hàng lớn châu Âu.

Vài năm gần đây, Credit Suisse vướng vào một loạt sai lầm lẫn sai phạm gây thiệt hại hàng tỉ USD, buộc họ phải cải tổ đội ngũ lãnh đạo.

Năm 2014, Credit Suisse nhận tội giúp vài khách hàng Mỹ trốn thuế. Ngân hàng phải trả tổng cộng 2,6 tỉ USD cho chính phủ liên bang và cơ quan quản lý tài chính New York.

Danh tiếng Credit Suisse ngày càng xấu đi bởi vụ bê bối kiểm toán tại Luckin Coffee. Ngân hàng là đơn vị bảo lãnh phát hành khi Luckin Coffee niêm yết trên Nasdaq năm 2019, công ty này sau đó bị rút khỏi vì cáo buộc thổi phồng doanh số.

Năm 2020, Giám đốc điều hành Credit Suisse Tidjane Thiam từ chức sau hai vụ bê bối gián điệp dính líu đến quan chức ngân hàng. Sự sụp đổ của quỹ Archegos Capital một năm sau đã tiêu tốn của Credit Suisse 5,5 tỉ USD.

Năm 2022, tin đồn sắp phá sản bủa vây Credit Suisse khiến khách hàng ồ ạt rút tiền. Ngân hàng vì vậy mà gần như không có lãi.

Tháng trước, cổ phiếu Credit Suisse rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi ngân hàng công bố khoản lỗ "khủng" hàng năm lớn kể từ khủng hoảng tài chính 2008 và xuất hiện báo cáo giới chức quản lý đang điều tra loạt phát ngôn về tình hình ngân hàng của chủ tịch Credit Suisse.

Diễn biến sắp tới

Thanh khoản từ SNB đem lại cho Credit Suisse khả năng khôi phục lòng tin khách hàng và tiếp tục triển khai kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh thế nhưng Credit Suisse chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Đội ngũ phân tích JPMorgan nhận xét thanh khoản từ SNB là không đủ vì thị trường không tin tưởng kế hoạch của Credit Suisse, sức mạnh tài chính của Credit Suisse bị xói mòn. Họ cho rằng một kịch bản có thể xảy ra là ngân hàng đối thủ UBS sẽ thâu tóm Credit Suisse.

Cẩm Bình