Singapore nói về các quy tắc hạn chế dùng TikTok trên thiết bị chính phủ

Thế giới số - Ngày đăng : 19:33, 17/03/2023

Singapore hôm 17.3 cho biết các quan chức chính phủ bị ràng buộc bởi các quy tắc hiện hành hạn chế việc họ sử dụng TikTok trên cơ sở cần thiết, khi các quốc gia phương Tây chuyển sang cấm dùng ứng dụng chia sẻ video này trên thiết bị chính phủ.

Nỗ lực dường như được phối hợp của Mỹ, Anh và New Zealand diễn ra trước phiên điều trần rất được mong đợi của Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew (người Singapore), trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới.

Chew Shou Zi dự kiến ​​sẽ làm chứng tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện vào ngày 23.3 tới trong nỗ lực xoa dịu mối lo ngại ngày càng tăng từ một số nhà làm luật Mỹ về bảo mật dữ liệu của ứng dụng và mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên Giám đốc điều hành TikTok xuất hiện ở một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ và đối mặt với các chất vấn trước một ủy ban Quốc hội.

Mỹ và các đồng minh cho biết TikTok, ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), là mối đe dọa an ninh quốc gia thông qua dữ liệu mà họ đã thu thập được từ hàng trăm triệu người dùng.

Người phát ngôn chính phủ Singapore nói với đài truyền hình quốc gia rằng “các thiết bị do chính phủ cấp là dành cho công việc và có các quy tắc rõ ràng quy định rằng chỉ những ứng dụng đã phê duyệt mới được tải xuống trên các thiết bị đó”.

Hiện tại, TikTok chỉ được phép sử dụng bởi các quan chức trên cơ sở cần thiết, chẳng hạn như cho các quan chức truyền thông”, người phát ngôn Văn phòng Quốc gia Thông Minh và Chính phủ Điện tử của Singapore nói trong các bình luận được hãng thông tấn Channel NewsAsia (CNA) đăng tải.

Người này cho biết, dù các thiết bị do chính phủ Singapore cấp có cấu hình bảo mật để bảo vệ dữ liệu, nhưng các quan chức thường xuyên được nhắc tải xuống các ứng dụng đã được phê duyệt.

TikTok đã nổi lên như một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất dành cho giới trẻ Singapore, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Z. Thế hệ Z là những người sinh sau năm 1997 và trước năm 2012. Đây là thế hệ tiếp theo sau thế hệ Y. Thế hệ Z được đặc trưng bởi việc sinh ra trong một thời đại đầy đủ công nghệ và internet.

Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu Singapore như Phó thủ tướng Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung có sự hiện diện đáng kể trên TikTok, với một số video kỳ lạ của họ trên nền tảng này đã lan truyền trong quá khứ.

Chong Ja Ian, phó giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết dường như có “một nỗ lực nhằm điều chỉnh những lo ngại về an ninh dai dẳng và chưa được giải quyết xoay quanh TikTok”.

Chong Ja Ian gợi ý chính sách từ chính phủ Singapore liên quan đến nền tảng truyền thông xã hội sẽ tính đến sự hiện diện thương mại rộng lớn của nó ở trong nước cũng như cần tránh phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Những lo ngại về quản lý TikTok đang gia tăng giữa sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. TikTok đã cố gắng giải thích rằng công ty mẹ ByteDance không phải là thực thể liên kết với chính phủ Trung Quốc mà được sở hữu đa số bởi các nhà đầu tư toàn cầu.

"Chính phủ Trung Quốc không có sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp về ByteDance hoặc TikTok. Quan điểm chính trị về TikTok phải được phân biệt với quan điểm chính sách. Trong khi một số câu hỏi về TikTok và nguồn gốc Trung Quốc của chúng tôi đã bị chính trị hóa, chúng tôi rất coi trọng những lo ngại về an ninh quốc gia", một người phát ngôn TikTok nói với CNA.

singapore-noi-ve-quy-tac-han-che-dung-tiktok-tren-thiet-bi-chinh-phu.jpg
TikTok đã nổi lên như một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất dành cho giới trẻ Singapore - Ảnh: AP

Hôm 16.3 Trung Quốc thúc giục chính phủ Mỹ ngừng "lạm dụng quyền lực" để đàn áp các doanh nghiệp liên quan trong bối cảnh có thông tin chính quyền Biden yêu cầu các chủ sở hữu thoái vốn khỏi TikTok. Điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng không hài lòng với lập trường từ Mỹ với lĩnh vực công nghệ của họ.

Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 16.3 rằng Mỹ đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia và Mỹ nên ngừng phát tán “thông tin sai lệch” về bảo mật dữ liệu.

Các bình luận được đưa ra sau khi chính quyền Biden yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc tách khỏi TikTok hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn này đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ, giống hệt yêu cầu của cựu Tổng thống Donald Trump hai năm trước.

Người phát ngôn TikTok, Brooke Oberwetter, nói với Reuters rằng công ty gần đây đã nhận được thông tin từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán lại cổ phần, nếu không họ sẽ đối mặt với nguy cơ Mỹ cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn.

ByteDance xác nhận 60% cổ phần của họ được sở hữu bởi các nhà đầu tư toàn cầu, 20% bởi nhân viên và 20% thuộc các nhà sáng lập của họ.

"Nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục tiêu thì việc thoái vốn không giải quyết vấn đề: Một sự thay đổi về chủ sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào về luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập", Brooke Oberwetter tuyên bố.

Bà nói thêm: “Cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu và hệ thống của người dùng Mỹ một cách minh bạch, tại Mỹ, với sự giám sát, kiểm tra và xác minh mạnh mẽ của bên thứ ba mà chúng tôi đang triển khai”.

Một thỏa thuận bán TikTok vào năm 2020 đã sụp đổ sau khi Trung Quốc can thiệp và cho biết cần có sự chấp thuận trước của chính phủ trước khi xuất khẩu các thuật toán trong nước. TikTok cũng thách thức lệnh hành pháp của chính quyền Trump tại tòa án Mỹ và chính quyền Biden sau đó cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng yêu cầu mới từ Mỹ về việc thay đổi quyền sở hữu sẽ lại bị Trung Quốc và các chủ sở hữu của TikTok phản đối.

Dù TikTok vẫn phổ biến ở Mỹ nhưng sự giám sát chính trị với ứng dụng này đã gia tăng trong bối cảnh lo ngại về bảo mật dữ liệu và mối liên hệ với chính quyền Trung Quốc.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật vào đầu tháng 3, cho phép Tổng thống Joe Biden có quyền cấm ứng dụng TikTok trên toàn quốc nếu ông quyết định làm vậy.

ByteDance vẫn giữ im lặng trước động thái mới nhất của Mỹ nhằm buộc thay đổi quyền sở hữu.

TikTok không khả dụng ở Trung Quốc, nơi ứng dụng chị em Douyin của nó có hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Ấn Độ đã cấm TikTok vào năm 2020 sau tranh chấp biên giới với Trung Quốc, viện dẫn luật cho phép chính phủ chặn các trang web và ứng dụng khi “chủ quyền và toàn vẹn” của đất nước bị đe dọa.

Vào năm 2020, khi ông Trump yêu cầu bán TikTok, ByteDance đã đàm phán một thỏa thuận bán cổ phần thiểu số trong TikTok Global cho các nhà đầu tư khác, với ByteDance giữ lại 80% cổ phần

Theo thỏa thuận đó (sau này bị hủy bỏ), ByteDance sẽ cho phép Oracle Corp, một nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành kiểm tra bảo mật mã nguồn của TikTok nhưng sẽ không chuyển giao bất kỳ thuật toán hay công nghệ độc quyền nào cho công ty Mỹ này.

Hôm 27.2, Nhà Trắng đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo rằng không có TikTok trên các thiết bị và hệ thống liên bang. Hơn 30 bang ở Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính quyền sở hữu.

Bất kỳ lệnh cấm TikTok nào sẽ phải đối mặt với những rào cản pháp lý đáng kể và có thể gây ra hệ quả chính trị tiềm tàng, vì đây là ứng dụng phổ biến với hàng triệu thanh niên Mỹ.

New Zealand cấm TikTok trên thiết bị liên kết với Quốc hội, Thủ tướng Chris Hipkins lên tiếng

New Zealand hôm 17.3 cho biết sẽ cấm TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng lưới Quốc hội của quốc gia do lo ngại về an ninh mạng. New Zealand trở thành nước mới nhất hạn chế sử dụng ứng dụng chia sẻ video phổ biến này trên các thiết bị liên quan đến chính phủ.

Những lo ngại đã gia tăng trên toàn cầu về khả năng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu liên hệ và vị trí của người dùng thông qua ByteDance, công ty mẹ của TikTok.

Tại New Zealand, TikTok sẽ bị cấm trên tất cả thiết bị có quyền truy cập vào mạng Quốc hội vào cuối tháng 3.

Rafael Gonzalez-Montero, Giám đốc điều hành Dịch vụ Quốc hội New Zealand, cho biết trong một email gửi tới Reuters rằng quyết định này được đưa ra sau lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng cùng các cuộc thảo luận trong chính phủ và với một số quốc gia khác.

"Trên cơ sở thông tin này, chúng tôi đã xác định rằng các rủi ro không chấp nhận được trong môi trường Quốc hội New Zealand hiện tại", ông nói.

Rafael Gonzalez-Montero cũng cho biết có thể sắp xếp các thỏa thuận đặc biệt cho những người cần ứng dụng này để làm việc của họ.

ByteDance không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Reuters.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Chris Hipkins nói New Zealand hoạt động khác biệt so với các quốc gia khác.

Chris Hipkins nói: "Các bộ phận và cơ quan tuân theo lời khuyên của Cục An ninh Truyền thông Chính phủ về chính sách CNTT và an ninh mạng... Chúng tôi không áp dụng một phương pháp chung cho toàn bộ các cơ quan công quyền".

singapore-noi-ve-quy-tac-han-che-dung-tiktok-tren-thiet-bi-chinh-phu1.jpg
Thủ tướng New Zealand - Chris Hipkins 

Hôm 17.3, cả Lực lượng Phòng vệ cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cho biết đã thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị làm việc.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ New Zealand cho rằng động thái này là "cách tiếp cận đề phòng để bảo vệ sự an toàn và an ninh" của nhân viên.

Hôm 16.3, Anh đã cấm TikTok trên thiết bị chính phủ ngay lập tức. Các cơ quan chính phủ Mỹ có thời hạn đến cuối tháng 3 để xóa TikTok khỏi các thiết bị.

TikTok cho biết các lệnh cấm gần đây dựa trên "những quan niệm sai lầm cơ bản" và bị thúc đẩy bởi địa chính trị rộng lớn hơn, đồng thời tiết lộ đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt và bác bỏ các cáo buộc làm gián điệp.

Trả lời câu hỏi về lệnh cấm TikTok của Anh và New Zealand, ông Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 17.3 rằng hai nước này nên “ngừng mở rộng quá mức và lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, đồng thời cung cấp môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty từ tất cả các nước".

Bỉ và Canada cũng đã ban hành lệnh cấm TikTok trên thiết bị chính phủ.

Ủy ban và Hội đồng châu Âu đều cấm nhân viên sử dụng TikTok vào tháng 2, nói rằng lệnh cấm là “biện pháp tạm thời và sẽ liên tục được xem xét”.

Sơn Vân