Nỗi lo nợ xấu: Kỳ 2 – Rủi ro từ 'cục máu đông' trái phiếu doanh nghiệp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:58, 18/03/2023
Doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu ngày càng tăng
Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng thêm so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỉ đồng, và hiện nay nhiều doanh nghiệp đã không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn cho trái chủ. Khối lượng trái phiếu đến hạn trả nợ này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, những khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa được giải quyết, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu.
Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu.
“Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới”, Mirae Asset nêu và cho hay tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm.
Ngoài ra, việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập niên. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.
FiinRatings cho biết số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đưa ra lãi suất nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó phản ánh lên mức lãi suất mới cao hơn của toàn thị trường.
Tổng trị giá các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán lên tới 89,3 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp nói trên. Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào phân kỳ đáo hạn sắp tới, khả năng huy động nguồn vốn khác của doanh nghiệp cũng như kỳ vọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.
Tính trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%. Lưu ý, các doanh nghiệp này cũng có dư nợ vay ngân hàng và các nguồn vốn vay khác.
Chắc chắn nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng đa số các trái phiếu doanh nghiệp được phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản. Khi thị trường khó khăn như hiện nay, chắc chắn nợ xấu từ trái phiếu cũng sẽ tăng.
“Ngoài ra, chưa kể các trái phiếu này không phải loại nào cũng có tài sản đảm bảo, nên rủi ro mất vốn của nhà đầu tư sẽ là rất lớn. Hơn nữa, hàng loạt các trái phiếu đang liên quan đến các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh… và cần nhiều thời gian để xử lý các vụ việc này. Cho đến lúc đó thì khoản nợ này cũng xem như là nợ xấu vì chưa thanh toán nợ và gốc đúng hạn”, ông Huân nói.
Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích định chế tài chính FiinGroup cũng cho rằng dư nợ trái phiếu bất động sản cuối năm 2022 khoảng 420 nghìn tỉ đồng, trong đó, ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 150 nghìn tỉ, còn người dân khoảng 270 nghìn tỉ.
“Hầu hết các nhà phát triển bất động sản phải đi vay ngân hàng. Khi họ không có khả năng trả nợ trái phiếu thì họ cũng không thể trả được lãi vay ngân hàng. 70% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cũng rất khó cho ngân hàng phát mãi tài sản để thu nợ”, bà Oanh nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nêu quan điểm, việc giảm phát hành trái phiếu khiến khả năng đáp ứng về vốn của doanh nghiệp giảm đi, nhưng năm qua việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản cũng rất khó khăn. Khi doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu thì nguy cơ trở thành nợ xấu rất lớn.
“Khi doanh nghiệp không trả được nợ vay thì họ phải tìm mọi cách để đảm bảo vốn cho sản xuất. Nếu nợ được các doanh nghiệp khác thì họ nợ, dẫn đến nợ đọng lòng vòng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, ông Thịnh nêu và nhấn mạnh rằng việc không phát hành được trái phiếu riêng lẻ để trả nợ đúng hạn cũng khiến lòng tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp giảm sút. Từ đó, nó kéo cả nền kinh tế đi xuống, khiến nợ xấu gia tăng.
Ông Thịnh cho biết năm 2022 số lượng trái phiếu đến hạn chưa nhiều, một số doanh nghiệp đã mua lại trước hạn nên đã giảm áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2022 số lượng trái phiếu đáo hạn không quá lớn, nhưng sang năm 2023, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn, áp lực cho doanh nghiệp không hề nhỏ và nhiều doanh nghiệp đã không thể trả được tiền lãi và gốc cho trái chủ.
Bất thường ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng khác với thông lệ chung, đáng lẽ trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư dài hạn với lãi suất thấp, tức chi phí vốn có lợi hơn đối với doanh nghiệp so với kênh tín dụng ngân hàng, thì ở Việt Nam lại là ngược lại. Đó là sự cạnh tranh mà không phải bù trừ lẫn nhau giữa trái phiếu và vay ngân hàng.
“Trong đó, nếu lãi suất tín dụng có sự kiểm soát khá chặt, thì lãi suất trái phiếu dường như được thả nổi, chào mời rất cao đến múc khó tin cho nhà đầu tư. Có nghĩa rằng động cơ của nhiều doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu chỉ cốt có được thật nhiều tiền mà thôi”, ông Lập nói.
Về loại hình trái phiếu, theo ông Lập, trong khi khu vực bất động sản được vận hành theo dự án (xây nhà để bán) thì trái phiếu phát hành lại không dựa trên tính thanh khoản và luồng tiền của các dự án cụ thể theo nguyên tắc của tài trợ dự án (gọi là project finance). Một khi số tiền huy động chủ yếu để sử dụng làm vốn lưu động và lưu chuyển giữa các doanh nghiệp thành viên của những tập đoàn lớn thì rõ ràng tính minh bạch và giải trình về mục tiêu của nó khó có thể kiểm soát được.
Ông Lập cho rằng thị trường tài chính nói chung và trái phiếu nói riêng đã và đang có sự mất cân bằng. Đó là sự dồn nguồn vốn quá lớn cho khu vực bất động sản.
“Điều này, bản thân nó đã hàm chứa rủi ro bởi trong khi phần kinh tế hội nhập của Việt Nam với thế giới tập trung vào khu vực sản xuất thì cái phần còn lại chủ yếu xoay quanh bất động sản, mà khu vực này vốn mang đậm tính đầu cơ và lên xuống thất thường theo chu kỳ không thể định trước, chưa nói tới bị thao túng khá nặng”, ông Lập nêu.
Thêm nữa, theo ông Lập, thị trường tài chính vốn liên thông giữa tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán và trái phiếu, tuy nhiên sự giám sát lại không tập trung thống nhất mà bị chia cắt hành chính giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Ngoài ra, chưa kể tính thiếu chuyên nghiệp và hoàn chỉnh của khung pháp luật, sự giám sát, chấn chỉnh vi phạm thường xuyên ở thị trường này cũng rất hạn chế.