Kiểm lâm Hà Tĩnh nói về nạn bẫy thú rừng trong Khu BTTN Kẻ Gỗ

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:36, 18/03/2023

Ông Trương Quốc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh khẳng định, nội dung Một Thế Giới phản ảnh ánh về thực trạng bẫy thú rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ là hoàn toàn đúng. Lực lượng kiểm lâm đã và đang phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, quyết liệt xóa bỏ nạn bẫy bắt động vật hoang dã trái phép.

Sau khi Một Thế Giới đăng tải bài Nhức nhối nạn bẫy thú rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh về vấn đề này.

Ông Trương Quốc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay: “Nội dung mà Một Thế Giới phản ánh là hoàn toàn đúng. Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thực trạng này, đồng thời phối hợp với chính quyền, hạt kiểm lâm địa phương, chủ rừng để tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng nói chung và dẹp nạn bẫy thú nói riêng”.

Theo ông Long, từ nhiều năm trước, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tình trạng bẫy bắt thú rừng trái phép. Nơi xảy ra nhiều nhất là phần rừng thuộc lâm phần do Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ và rừng giáp ranh giữa các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh.

“Trước đây, kiểm lâm và các lực lượng chức năng đi truy quét thu được rất nhiều bẫy thú, nhưng hiện nay, bẫy thú đã giảm rất nhiều. Ngày trước, có khi lực lượng chức năng thu được cả loại bẫy làm bằng sợi cáp to dùng để bẫy lợn rừng, nhưng hiện nay thì loại này rất hiếm gặp, thỉnh thoảng phát hiện loại bẫy nhỏ”, ông Long nói.

Nói về thực trạng người dân đi rừng phát hiện nhiều bẫy thú trong Khu BTTN Kẻ Gỗ, ông Long cho biết: “Tình trạng người dân đặt bẫy lén lút là vẫn có. Chúng tôi đã phối hợp với kiểm lâm huyện, ban quản lý khu bảo tồn, rất quyết liệt trong việc tuần tra, truy quét; nếu làm không quyết liệt thì sẽ rất phức tạp. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc này thì rất khó vì lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng và không bắt được quả tang hành vi đặt bẫy thú”.

bay-thu-ke-go.jpg
Những chiếc bẫy thú do người dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên tháo từ trong rừng thuộc Khu BTTN Kẻ Gỗ - Ảnh: Quang Cường

Lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết thêm, việc tiếp tục tăng cường các biện pháp xóa bỏ nạn bẫy bắt động vật hoang dã trong Khu BTTN Kẻ Gỗ là trách nhiệm chung của chủ rừng (Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ) và các cơ quan, ban ngành liên quan. Dù vậy, xử lý hiện tượng bẫy thú trong rừng là việc mà chủ rừng là đơn vị đầu tiên phải làm. 

Trong thời gian tới, Kiểm lâm Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạng các biện pháp bảo vệ rừng, xóa bỏ nạn bẫy thú trong Khu BTTN Kẻ Gỗ.

Giải pháp thứ nhất là tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ động vật hoang dã; thứ hai là tăng cường phối hợp giữa chủ rừng và các ngành, thường xuyên kiểm tra, thu gom bẫy; thứ ba là quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm.

Như Một Thế Giới đã phản ánh, nạn bẫy bắt thú rừng trong Khu BTTN Kẻ Gỗ diễn ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay, thực trạng này vẫn âm ỉ, nhức nhối, đe dọa sự an toàn của nhiều loài động vật hoang dã đang được bảo tồn tại đây.

Ngoài việc uy hiếp sự sinh sôi, phát triển của thú rừng, bẫy thú còn gây tổn hại cho trâu của người dân thả trong rừng do chúng bị mắc bẫy.

Theo cơ quan quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương, tình trạng bẫy thú rừng đã giảm nhưng đến nay vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để. Thực trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Quang Cường