TS Nguyễn Trí Hiếu: Nghị định 08 thuận lợi cho nhà phát hành nhưng không bảo vệ nhà đầu tư!

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:05, 18/03/2023

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nghị định 08 nới lỏng quy định và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc phát hành trái phiếu và giao dịch trái phiếu, vì thế có thể xem Nghị định 08 nhắm vào việc tạo thuận lợi cho nhà phát hành, nhưng không nhắm vào việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 8/2023 để bổ sung Nghị định 65/2023. Nghị định số 08 được xem là những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, không cần có quy định thanh toán bằng tài sản khác, vì luật lệ hiện hành không bắt buộc phải trả nợ chỉ bằng tiền mặt.

Với nội dụng kéo dài thời gian kỳ hạn trả nợ tối đa 2 năm nếu hai bên thoả thuận, ông Hiếu cho hay đây là điều đương nhiên và không cần có quy định.

Quy định về xác định tư cách nhà đầu tư cá nhân chuyện nghiêp dời lại năm sau 2024, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, điều này có thể làm thị trường sôi động trở lại, nhưng lại trở lại vết xe cũ như trước đây khi các nhà đầu tư cá nhân ào ạt nhảy vào thị trường và tự biến mình trở thành nạn nhân của chính mình.

Liên quan đến quy định dời lại quy định về tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt không quá 6 tháng, theo ông Hiếu, việc dời lại quy định này có thể giúp các nhà phát hành có thêm thời gian nhưng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường thì có lẽ không nhiều.

tri-hieu.jpg
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu

Đối với việc không áp dụng xếp hạng tín nhiệm đến năm 2024, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá điều này làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

“Nghị định 08 nới lỏng quy định và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc phát hành trái phiếu và giao dịch trái phiếu và vì thế có thể xem nghị định 08 nhắm vào việc tạo thuận lợi cho nhà phát hành, nhưng không nhắm vào việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, không góp phần phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, mà ngược lại làm tăng rủi ro cho cả nhà phát hành và nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.

Nhắc lại nhận định vấn đề trái phiếu doanh nghiệp là tử huyệt của nền kinh tế nêu ra thời gian trước, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng bản chất vấn đề không phải ở riêng trái phiếu doanh nghiệp mà thực chất là ở thị trường động sản và sự liên minh của thị trường này với các ngân hàng, thông qua tập đoàn “sân sau”. Từ đó, đẩy giá bất động sản lên phân khúc đầu cơ (cao cấp), kéo theo toàn bộ mặt bằng lãi suất lên.

Theo ông Nghĩa, vì lãi suất cao, các nhà đầu tư mua bất chấp rủi ro. Đẩy giá 1m2 nhà ở chung cư quận 1 lên đến 1 tỉ đồng, 1m2 đất quận 2 lên đến 2,3 tỉ. Đây là vấn đề dài hạn, ảnh hưởng vấn đề nợ xấu của ngân hàng thương mại bởi tài sản đảm bảo từ đó mà ra.

“Có một vài vấn đề chưa thể dự liệu được, ví dụ như Ngân hàng cổ phần Sài Gòn sẽ đi về đâu hay như 5 tập đoàn lớn nhất về bất động sản kết cục ra sao khi 3 năm trở lại đây kết quả đều âm (âm cả bán hàng, âm cả đầu tư, âm cả tài chính)”, ông Nghĩa nêu.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng Nghị định 08 ra đời, giải quyết 7 vấn đề lớn như: Cho phép nhà phát hành thêm một năm để tiếp tục phát hành trái phiếu riêng lẻ; người mua cũng thêm một năm chưa phải tuân thủ nhà đầu tư chuyên nghiệp; cho phép doanh nghiệp thêm một năm nâng cao năng lực; cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản khác để trả nợ; cho phép gia hạn thêm 2 năm đồng nghĩa với việc cho phát hành thêm đợt phát hành trái phiếu mới để đảo nợ với lãi suất vẫn như cũ…

nghia.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở thị trường bất động sản

“Điều này làm nhà đầu tư, nhà phát hành có niềm tin khi Nhà nước, Chính phủ đồng hành và không hình sự hóa. Mức độ tác động vào thực tiễn và lấy lại niềm tin là chưa đánh giá được. Nhưng đây là động thái bước đầu để nhà phát hành, nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin khi thị trường lao dốc”, ông Nghĩa nói và nhấn mạnh bản chất vấn đề là khủng hoảng phân khúc bất động sản, vì đầu cơ đẩy giá với mức giá trên trời.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Ngoài ra, ông Lực cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản.

“Theo đó, việc nâng cao hiệu quả phối hợp kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra - giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó, nhà nước cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường”, ông Lực nói.

Trước đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết áp lực TPDN đáo hạn hạ nhiệt trong quý 1/2023, song thử thách sẽ rơi vào giai đoạn quý 2/2023. Trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn TPDN vào khoảng 252 nghìn tỉ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ).

Trong đó, quý 1/2023 sẽ có khoảng 31 nghìn tỉ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) TPDN đáo hạn, tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỉ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83 nghìn tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỉ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý 4/2023.

Xét theo ngành nghề, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỉ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ). Theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng với 31% tỉ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỉ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỉ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ).

Hoài Lam