Nghiên cứu mới cung cấp thêm bằng chứng về nguồn gốc của đại dịch COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:40, 18/03/2023
Các mẫu vật thu được từ chợ Hoa Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) trong thời gian 2 tháng sau khi chợ này đóng cửa vào ngày 1.1.2020 chứa cả vi rút SARS-CoV-2 lẫn ADN của con người. Trong một báo cáo công bố vào năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố các mẫu vật này không chứa ADN động vật.
Tuy nhiên, kết quả phân tích được tiến hành bởi nhóm các nhà khoa học quốc tế từ Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Đại học Arizona cho thấy, các mẫu vật thu từ chợ Hoa Nam dương tính với COVID-19 có rất nhiều ADN của lửng chó - một loài động vật bản địa (thuộc họ chó) ở Đông Á. Một số mẫu vật dương tính với COVID-19 cũng chứa ADN các động vật khác như cầy hương.
Nghiên cứu trên không chứng minh rằng lửng chó hoặc các động vật bị nhiễm COVID-19 đã gây ra đại dịch. Nếu động vật bị nhiễm bệnh, chúng có thể đã nhiễm vi rút từ người bị nhiễm bệnh. Song các nhà khoa học cho rằng phát hiện này đã củng cố thêm bằng chứng cho giả thuyết COVID-19 được bắt nguồn từ chợ Hoa Nam.
Giáo sư Kristian Andersen, nhà sinh vật học tiến hóa tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) nói với Tạp chí Science: "Dữ liệu thu thập được đã chỉ ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19".
Các cuộc tranh luận về nguồn gốc đại dịch COVID-19 luôn là chủ đề gây tranh cãi trên toàn thế giới. Tháng trước, tờ The Wall Street Journal dẫn một báo cáo cho hay, Bộ Năng lượng Mỹ đã kết luận "với mức tự tin thấp" rằng đại dịch COVID-19 có khả năng phát sinh từ một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng cho biết họ tin rằng đại dịch COVID-19 có khả năng xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận và cáo buộc Mỹ "lan truyền thông tin hoang đường" mà không có "bằng chứng hỗ trợ".
Hôm 3.3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết, cơ quan này vẫn đang làm việc để xác định nguồn gốc của đại dịch COVID-19.