Kenya thiếu USD, không thể nhập xăng dầu
Chuyển động - Ngày đăng : 14:50, 18/03/2023
Tình hình thiếu xăng dầu xảy ra ở nhiều thành phố lớn của Kenya, nhất là ở thủ đô Nairobi, nơi mà những chủ xe phải xếp hàng dài trước khi có thể mua nhiên liệu cho xe của họ. Trong khi tài xế chờ được đổ xăng thì một số trạm xăng lại hết hàng.
Việc Kenya bị giảm sâu dự trữ ngoại hối (Forex) là nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu, tác động mạnh đến người tiêu dùng.
Các công ty xăng dầu phải dùng đồng USD để mua nhiên liệu, nên việc thiếu dự trữ ngoại hối tác động trực tiếp đến nguồn cung nhiên liệu và chuỗi cung ứng của Kenya, nền kinh tế năng động nhất ở khu vực Đông Phi, theo báo Đức Deutsche Welle (DW).
Việc thiếu ngoại tệ cũng tác động đến việc nhập khẩu các hàng hóa cơ bản như thuốc, lương thực. Do không có ngoại tệ mạnh, các nhà buôn đều phàn nàn họ không thể nhập hàng.
Do không có nhiều USD, tỷ giá USD so với đồng shilling của Kenya đã tăng mạnh, trong vài trường hợp tăng hơn 10%. Sự thiếu hụt này cũng đặt đồng shilling vào cảnh phải chịu sức ép mãnh liệt chống lại các loại tiền tệ mạnh khác.
Chính phủ Kenya tuyên bố không có gì phải lo, vì vẫn có đủ nguồn dự trữ ngoại hối, nhưng Ngân hàng Trung ương Kenya đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải hạn chế bán đồng USD để bảo vệ nguồn dự trữ.
Đối với các doanh nghiệp như nhà nhập khẩu xe Edward Gachani, việc không thể có đủ nguồn ngoại tệ mạnh đã khiến hoạt động làm ăn của ông bị tê liệt, ông khó thể thực hiện chuyện trả tiền cho các đối tác nước ngoài.
Ông cho biết: “Giá cả tăng vọt, không phải do giá xe ở Nhật Bản hoặc các nước khác tăng cao, mà vì chúng tôi thiếu USD”.
Do đồng shilling mất giá, các hoạt động kinh doanh, đầu tư và sức tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị suy giảm theo, nhà kinh tế học Martin Chomba nhận xét. Ông nói: “Vài công ty tiếp thị xăng dầu không thể có đủ nguồn USD mong muốn. Chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề mà chính phủ Kenya cần xem xét giải quyết, để đồng USD giảm sức ép lên đồng shilling”.
Các nhà phân tích Forex như Wohoro Ndoho cảnh báo tình hình thiếu hụt nguồn dự trữ ngoại hối có thể trầm trọng hơn nếu chính quyền Kenya không có giải pháp nào mang tính quyết định.
Ông Ndoho nói với DW: một trong những vấn đề là các nước châu Phi đã “ồ ạt phát triển cơ sở hạ tầng khiến mắc nợ trong một môi trường mà cán cân thương mại đã suy giảm đáng kể”.
Việc đồng shilling mất giá đang làm tăng chi phí nhập khẩu và tăng mức chi tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của doanh nghiệp và đến sức tăng trưởng kinh tế. Nó còn khiến cản trở khả năng trả nợ nước ngoài của chính phủ Kenya.
Tuy nhiên, ông Ndoho cho rằng có một giải pháp dài hơi, dù khó thực hiện, cho cơn khát USD của Kenya.
Nhà kinh tế học này nói: “Là quốc gia có thu nhập trung bình, sự ưa thích hàng hóa nhập khẩu của chúng tôi chỉ tăng lên. Tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại hối của Kenya sẽ tiếp tục kéo dài dai dẳng, trừ phi Kenya thực hiện chuyển đổi từ một nền kinh tế tiêu thụ sang một nền kinh tế thiên về sản xuất và xuất khẩu”.