TP.HCM kiến nghị nhiều giải pháp triển khai chương trình phổ thông mới

Giáo dục - Ngày đăng : 18:06, 18/03/2023

Ngày 18.3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, TP.HCM đã triển khai chương trình GDPT bài bản, chặt chẽ; đặc biệt TP linh hoạt, năng động triển khai chương trình trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, trong đó, đã tổ chức tập huấn giáo viên bằng hình thức online.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Chương trình GDPT 2018 là cuộc cách mạng toàn diện giáo dục, thay đổi cả hệ thống từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp triển khai thực hiện. Do đó, để chương trình triển khai hiệu quả trong thực tế, cần có nhận thức đúng đắn và quyết tâm thực hiện.

18-03-2023-tphcm-no-luc-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-933860c-details.jpeg
Cảnh hội nghị-Ảnh: TƯ

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu những khó khăn hiện nay. Trong đó, mặc dù được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên hay Lịch sử - Địa lý. Tại TP.HCM do áp lực từ tăng dân số cơ học nên thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi. Tình trạng sĩ số học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục còn cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP, trên địa bàn TP có 11 quận, huyện đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Một số quận như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân có tỷ lệ học sinh học 2 buổi ngày dưới 50%; các quận, huyện còn lại chỉ đảm bảo từ 70% - 90% học sinh học 2 buổi/ngày.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu, bình quân mỗi năm TP tăng thêm 40.000 học sinh. Các quận vùng ven: Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh có số học sinh tăng nhiều nhất. Trung bình mỗi năm TP xây thêm khoảng hơn 1.000 phòng học, có năm xây thêm 1.500 phòng. Nhưng số phòng này chỉ đủ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng thêm, không giảm được sĩ số/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Mặc dù vậy, các quận huyện đều cố gắng để học sinh học chương trình GDPT 2018 được học 2 buổi/ngày với tỷ lệ cao nhất hoặc nhiều hơn 6 buổi/tuần.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đang phối hợp với hai trường đại học là Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Sài Gòn bồi dưỡng 100% giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

“Năm 2024, lứa giáo viên đầu tiên được đào tạo hai chuyên ngành Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý của hai trường đại học sư phạm sẽ tốt nghiệp. Đây là nguồn giáo viên lý tưởng đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các môn tích hợp, song số lượng đào tạo không nhiều. Vì vậy, thành phố sẽ sử dụng đội ngũ này làm nòng cốt để triển khai hiệu quả chương trình mới, song song với việc tiếp tục bồi dưỡng giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý dạy môn tích hợp”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó trưởng Phòng Tổ chức biên chế sự nghiệp, Sở Nội vụ chia sẻ, với tốc độ tăng dân số cơ học khá cao, số lượng học sinh, phòng học, trường học tăng hàng năm, yêu cầu sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy thật sự là thách thức lớn đối với TP.HCM.

Hàng năm, Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM giao biên chế giáo viên theo đề án vị trí việc làm theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên”, đảm bảo yêu cầu dạy học của các đơn vị.

Tuy nhiên, đối với vấn đề chính sách tiền lương, thu nhập của giáo viên, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện nay giáo viên trình độ đại học được tuyển dụng chính thức vào các đơn vị trường học có hệ số lương 2,34.

Như vậy nếu được hưởng 100% lương thì giáo viên mới ra trường có thu nhập 3.486.000 đồng/tháng, chưa tính thời gian tập sự chỉ được hưởng 85% lương và trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trước thực tế khó khăn đó, TP.HCM mong muốn Chính phủ tạo thêm điều kiện về cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh cho thành phố để chủ động các nguồn lực, trong đó có việc tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT một cách thực tế. TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đang đặt ra, tồn tại và vướng mắc cần được đánh giá bài bản, thấu đáo để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ; từ đó, góp phần triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả thiết thực, sát với thực tế.

Tú Viên