Nhật Bản mở rộng ODA cho các nước đang phát triển ở nam bán cầu

Quốc tế - Ngày đăng : 11:51, 19/03/2023

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch mở rộng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi ở nam bán cầu.

Báo Yomiuri Shimbun đưa tin, trong chuyến thăm Ấn Độ ba ngày từ 19 đến 22.2, ông Kishida sẽ công bố kế hoạch mở rộng ODA này sau khi ông gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 20.3. 

kishida-modo(1).jpg
Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Một công cụ chủ lực hướng tới mục tiêu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là mở rộng ODA về quy mô và chất lượng. Theo đó, Chính phủ Nhật đã quyết chi 570,9 tỉ Yen cho ODA trong khoản chi ngân sách năm 2023. 

Nhật sẽ lập kế hoạch viện trợ tùy theo hoàn cảnh từng quốc gia thuộc vùng nam bán cầu và kế hoạch viện trợ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, giúp các nước được viện trợ đạt đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, hướng đến hòa bình và thịnh vượng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Theo Yomiuri Shimbun, trong những năm gần đây, nạn “bẫy nợ” đã xảy ra với việc Trung Quốc giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi bằng hình thức cho vay khiến các quốc gia vay lâm vào cảnh nợ nần và buộc phải trao quyền sở hữu, điều hành cảng biển cùng các cơ sở hạ tầng khác. 

Nhật hy vọng hoạt động ngoại giao thông qua việc sử mở rộng ODA sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi không trở nên quá bị lệ thuộc vào một số quốc gia, theo Yomiuri Shimbun.

Dự kiến khi phát biểu, Thủ tướng Kishida sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực nên rất cần sự hợp tác giữa các quốc gia thay vì là đối đầu, chia rẽ. Thủ tướng Nhật đặt mục tiêu Nhật dẫn đầu trong việc duy trì - tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bảo đảm an ninh trên không và trên biển. 

Ông Kishida mong muốn cải thiện năng lực cảnh báo và giám sát của các nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và hy vọng Ấn Độ sẽ tích cực chung tay cùng Nhật phát triển cơ sở hạ tầng, ví dụ như cảng biển ở châu Á và châu Phi. 

Quan hệ đối tác với Ấn Độ cần thiết cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các quan chức Nhật cho Reuters biết, Thủ tướng Kishida mong muốn Ấn Độ sẽ hợp tác với Nhật để kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Thời gian qua, Nhật - Ấn đã đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, nhất là ở lĩnh vực chiến lược và quốc phòng. Việc ông Kishida tuyên bố mở rộng viện trợ ODA tại cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm giữa hai nước đánh dấu việc Tokyo xem trọng Ấn Độ là một thế lực lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Kishida nhận định vị trí chiến lược địa chính trị của Ấn Độ tại vùng Ấn Độ Dương giữ vai trò đáng kể trong việc thực hiện tầm nhìn của ông Kishida. 

Ấn Độ, Nhật, Mỹ và Úc đã lập khối đồng minh QUAD nhằm đối phó tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các thành viên QUAD khẳng định, đây không phải là một khối quân sự nhưng họ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar tại Úc trong năm nay. Úc cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh QUAD vào tháng 5 tới. 

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc còn sống đã thiết lập mối quan hệ thân cận với Thủ tướng Ấn Modi, và ông Kishida cũng muốn duy trì mối quan hệ thân cận đó. 

Hai nhà lãnh đạo Nhật - Ấn đã có ba lần gặp nhau trong năm 2022, bao gồm cả lần cùng dự lễ tang ông Abe. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Kishida và Modi sẽ có ít nhất ba lần gặp nữa trong năm 2023, đó là tại hội nghị thượng đỉnh G20, G7 và QUAD.

Trong 2 năm 2021 và 2022, Nhật - Ấn đã có quan hệ đối tác kinh tế và thương mại trị giá 20,57 tỉ USD, trong đó, hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu vào Ấn Độ đạt mức 14,49 tỉ USD.

Bảo Vĩnh