Tiền Giang: Không khuyến khích trồng cây sầu riêng trong vùng Đồng Tháp Mười
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:58, 19/03/2023
Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu, thoát phèn và các ô đê bao ngăn nước lũ nên diện tích cây ăn trái ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có trên 20.000ha vườn cây ăn trái; trong đó có 17.000ha cây khóm(dứa), hơn 1.000ha cây thanh long, 800ha cây mít.
Năm nay các loại cây ăn quả này giá rất cao, nông dân có nguồn thu nhập khá lớn như: thanh long gần 30.000 đồng/kg, mít 50.000 đồng/kg; khóm gần 10.000 đồng/kg. Gần đây, giá trái sầu riêng ở mức kỷ lục nên nhiều nông dân huyện Tân Phước trồng loại cây ăn quả này. Toàn huyện đã có ít nhất 5ha cây sầu riêng đã cho trái tập trung ở xã Tân Hòa Đông và Thạnh Hòa. Qua thu hoạch cho thấy do đất còn độ phèn cao nên dù cây có năng suất nhưng chất lượng không cao. Chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương không khuyến khích nông dân nhân rộng diện tích cây sầu riêng.
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết: “Cây sầu riêng đã có một số bà con trồng rồi, ban đầu thấy nó tốt, lớn nhanh nhưng khi có trái do đất huyện Tân Phước là đất phèn, không đủ chất dinh dưỡng nên khi cây cho trái 1-2 mùa rồi chết. Vì vậy hiện nay dù bà con có trồng sầu riêng nhưng huyện không khuyến khích”.