NATO chạy đua vũ trang để trang bị cho các nước có biên giới giáp Nga

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:00, 19/03/2023

Các đồng minh NATO đang lo lắng về kho vũ khí hạn hẹp và nỗ lực tìm kiếm các cam kết tăng cường dự trữ trang bị cho quân đội.

Theo Politico, trong những tháng tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ đẩy mạnh nỗ lực dự trữ vũ trang dọc theo sườn phía đông của liên minh. NATO cũng cam kết hàng chục nghìn lực lượng có thể nhanh chóng đến viện trợ cho các đồng minh trong thời gian ngắn - một động thái nhằm ngăn Nga mở rộng cuộc chiến ngoài Ukraine.

Các chuyên gia nhận định để điều này khả thi, NATO phải thuyết phục từng quốc gia phải tích cực đóng góp về lực lượng, chương trình đào tạo, cơ sở hạ tầng, thêm nhiều vũ khí, thiết bị và đạn dược đắt tiền.

nato-5.png
NATO dự kiến sẽ đệ trình các kế hoạch phòng thủ khu vực cập nhật nhằm giúp xác định lại cách liên minh bảo vệ các nước thành viên - Ảnh: Getty

Các quốc gia thành viên NATO đã nhiều lần bày tỏ lo lắng về kho dự trữ đạn dược của chính họ trong khi Ukraine đang rất cần thêm đạn dược và vũ khí từ các đồng minh. Do đó, không phải tất cả các nước NATO sẽ sẵn sàng thực hiện cam kết đóng góp theo các kế hoạch mới của liên minh quân sự .

Đây là một trở ngại mà NATO đã phải đối mặt trong quá khứ và là một thách thức dai dẳng đối với liên minh phương Tây khi cuộc chiến tại Ukraine kéo sang năm thứ hai. Mặc dù Mỹ và EU đã lên kế hoạch cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine một nhanh chóng, quá trình bổ sung chắc chắn cần nhiều thời gian.

Nỗ lực sẵn sàng

NATO dự kiến sẽ đệ trình các kế hoạch phòng thủ khu vực cập nhật nhằm giúp xác định lại cách liên minh bảo vệ các nước thành viên. Giới chức NATO đưa ra ý tưởng cần có tới 300.000 lực lượng để giúp mô hình mới hoạt động.

“Tôi nghĩ phải có lực lượng để chống lại Nga một cách thực tế, đặc biệt là lực lượng luôn ở trạng thái sẵn sàng”, một quan chức quân sự cấp cao của NATO cho Politico biết.

Theo các chuyên gia, quá trình này có thể trở nên phức tạp bởi chiến lược này đòi hỏi rất nhiều người, thiết bị và đào tạo cũng như rất nhiều tiền. Quân đội các nước NATO sẽ phải tăng cường nỗ lực tuyển dụng của họ. Nhiều đồng minh phải tăng chi tiêu quốc phòng, mua thêm vũ khí, đạn dược và thiết bị.

“Điều này rõ ràng là cần có thời gian và nó cũng rất tốn kém”, Ben Hodges, cựu chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Âu, nói, đồng thời chỉ ra sự cần thiết của việc tăng cường huấn luyện và bổ sung đạn dược, cũng như duy trì sự thành thạo tác chiến khi nhân sự thay đổi theo thời gian.

Stacie Pettyjohn, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Tôi nghĩ rằng các vấn đề mà các đồng minh trong NATO gặp phải thậm chí còn nghiêm trọng hơn bởi vì nhiều nước trong số họ thường dựa vào Mỹ như một giải pháp hỗ trợ”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần khẳng định rằng các đồng minh đã tăng cường sản xuất trong những tháng gần đây và liên minh đang nghiên cứu các yêu cầu mới đối với kho dự trữ đạn dược. Song ông cũng đã thừa nhận vấn đề về tốc độ sản xuất đạn dược không đáp ứng được tốc độ tiêu thụ hiện tại. “Điều này không hề bền vững”, Stoltenberg nói hồi đầu tháng 3.

Bài kiểm tra lớn

Sau khi các kế hoạch quân sự của NATO được công bố, các nước thành viên sẽ được yêu cầu cân nhắc và đưa ra lựa chọn cung cấp quân đội, máy bay, xe tăng cho kế hoạch. Một phép thử đối với NATO sẽ diễn ra vào mùa hè này khi các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên của liên minh gặp nhau tại Lithuania (Litva).

“NATO đang hỏi các quốc gia rằng chúng tôi cần những gì để khiến những kế hoạch này có thể thực hiện được. Tôi nghĩ điều khó khăn nhất là việc mua sắm vũ khí”, quan chức quân sự cấp cao giấu tên của NATO tiết lộ.

Đại tá André Wüstner, chủ tịch Hiệp hội Quân đội Đức, nới với báo giới rằng: “Đức phải tăng tốc hơn nữa, cho dù là về vật chất, nhân sự hay cơ sở hạ tầng”. Theo ông, đội Đức đang thực hiện các nhiệm vụ được giao bởi NATO, nhưng vẫn là “quá ít” so với những gì sẽ phải đóng góp cho liên minh trong tương lai.

Vào đầu tuần này, Ủy viên quốc hội Đức về Lực lượng Vũ trang Eva Högl cho biết, dù Berlin hiện có một quỹ hiện đại hóa trị giá 100 tỉ euro để nâng cấp quân đội, cho đến nay, không một xu nào trong số tiền này được chi tiêu.

Năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết sẽ dành 2% sản lượng kinh tế của họ cho chi tiêu quốc phòng trong vòng một thập kỷ. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Lithuania) vào tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định một mục tiêu mới.

Một quan chức cấp cao của NATO cho biết “2% là mức sàn” dường như là “trọng tâm” trong cuộc tranh luận vào lúc này, đồng thời cảnh báo rằng “2% sẽ không đủ cho tất cả mọi người”.

James J. Townsend Jr., cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về châu Âu nhận định NATO đang “ở giữa” một cuộc thử thách khó khăn. “Tất cả chúng ta đều đang nói về những điều đúng đắn. Nhưng liệu chúng ta có vượt qua được vào cuối ngày và làm điều đúng đắn không?”, ông nói.

Hoàng Vũ (theo Politico)