Độc đáo chiếc bánh pho mát được in bằng công nghệ 3D

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 22/03/2023

Trong những năm gần đây, trào lưu in 3D đã bắt đầu phát triển với tốc độ rất nhanh và lan ra rất nhiều lĩnh vực như công nghệ, mỹ thuật thậm chí là cả thực phẩm.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí NPJ Science of Food, các kỹ sư tại Đại học Columbia (Mỹ) đã chế biến một loại bánh pho mát thuần chay 7 lớp hoàn toàn bằng công nghệ in 3D. 

Thành phần cơ bản là bánh quy giòn và các lớp bao gồm bơ đậu phộng, anh đào, chuối nghiền nhuyễn, thạch dâu tây và kem đánh bông.

Nhóm đã trang bị thêm một máy in 3D có sẵn sử dụng các thành phần như mực và tia laze nướng hỗn hợp bột bánh quy giòn để có kết cấu giống vỏ bánh hơn. Đầu của máy in có một đầu ống tiêm nhỏ lấy các thành phần cụ thể tùy thuộc vào những gì đã được lập trình trong phần mềm.

anh-chup-man-hinh-2023-03-22-luc-10.21.27.png
Bơ đậu phộng đang được phủ lên lớp bánh quy giòn nhờ công nghệ in 3D - Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu cho biết thí nghiệm này là một bước tiến tới việc phát triển các ứng dụng in 3D trong thực phẩm. Ngoài ra việc in chính xác các mặt hàng thực phẩm nhiều lớp có thể tạo ra nhiều loại thực phẩm có thể tùy chỉnh hơn, cải thiện độ an toàn thực phẩm và cho phép người dùng kiểm soát hàm lượng chất dinh dưỡng của bữa ăn dễ dàng hơn và trong thời gian ngắn hơn.

Tiến sĩ Jonathan Blutinger, một kỹ sư cơ khí và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm máy móc sáng tạo của Columbia Engineering, cho biết: "Nếu công nghệ này được tung ra thị trường nó sẽ tạo ra sự bùng nổ. Mọi người có thể tải xuống các công thức nấu ăn, tạo công thức nấu ăn của riêng mình với chiếc máy này". 

In 3D là phương pháp tiên tiến của việc phát triển và cấu trúc theo từng lớp. Máy tính được lập trình với thiết kế sản phẩm, phần mềm cũng được lập trình với phương pháp tương tự. Nguyên liệu thô được đưa vào máy ở dạng hạt nhỏ, sau đó được cánh tay robot tạo thành hình dạng 3D. 

Ngày nay, thức ăn cũng được sản xuất bằng công nghệ tương tự. Máy in 3D không chỉ hỗ trợ tạo ra các hình dạng 3D mà còn tạo ra thực phẩm với vẻ ngoài hấp dẫn và quan trọng nhất là hương vị. 

Quá trình công nghệ in 3D được gọi là sản xuất phụ gia, trong đó máy in 3D lắng đọng từ các lớp vật liệu, lớp này chồng lên lớp kia cho đến khi hình thành sản phẩm. 

Máy in 3D sử dụng tia laser, vật liệu dạng bột và vòi phun để sản xuất và tạo ra thực phẩm, đang mở ra cánh cửa mới cho việc tùy chỉnh các sản phẩm thực phẩm bằng cách cung cấp một hỗn hợp các chất dinh dưỡng phù hợp với người dùng.

anh-chup-man-hinh-2023-03-22-luc-10.21.34.png
Các nguyên liệu thô để tạo nên chiếc bánh pho mát thuần chay - Ảnh: Internet

Tạo ra một chiếc bánh từ công nghệ in 3D là bước tiến lớn của Blutiger và các đồng nghiệp nhằm phát triển nhiều loại thực phẩm khác nhau với số lượng nguyên liệu lớn. Những nỗ lực của Blutiger bắt đầu từ việc học cách nướng các loại bột nhào khác nhau bằng tia laser sau đó phát triển thành một chiếc máy có thể xử lý 18 nguyên liệu khác nhau, đồng thời in và nướng thức ăn. Phương pháp này rất chính xác, cho phép các đầu bếp sử dụng lượng nguyên liệu cực kỳ chuẩn có thể nướng hoặc làm nóng tùy từng thời điểm.

Blutinger nói thêm rằng khái niệm nấu ăn bằng tia laser không khác gì việc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng hoặc nướng một món ăn trong lò nướng. Hầu hết các nguyên liệu mà nhóm nghiên cứu được sử dụng đều được mua ngoài cửa hàng tạp hóa, không có chất phụ gia đặc biệt nào.

Song một lý do khiến công nghệ in 3D chưa được áp dụng rộng rãi trong nhà bếp gia đình là do giá cả. Những chiếc máy này có giá thành không hề rẻ. Thiết bị mà Blutinger và các đồng nghiệp của ông lắp ráp có thể có giá khoảng 1.000 USD. 

"Tôi nghĩ rằng mức giá sẽ trở nên hợp lý hơn đối với nhiều người trong thời gian tới. Khoảng 5 năm tới, bạn sẽ bắt đầu thấy công nghệ này trở nên phổ biến", Blutinger chia sẻ. 

Tiến sĩ Xiang Zhang, một nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đồng ý rằng máy in thực phẩm 3D có tiềm năng tạo ra bước nhảy vọt từ nguyên mẫu thành sản phẩm tiêu dùng được áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, Xiang cho rằng vẫn còn rất nhiều thách thức cần được giải quyết. "Bạn cần giảm chi phí xuống mức có thể chấp nhận được đối với hầu hết mọi người. Và sau đó thức ăn cần có hương vị chấp nhận được. Để đạt được điều đó cần mất rất nhiều thời gian", Xiang nói. 

Blutinger cho biết phương pháp nấu ăn này mang lại nhiều lợi ích. Ông lưu ý rằng công nghệ in 3D có thể cho phép những người ăn uống có ý thức về dinh dưỡng sản xuất thực phẩm với lượng calo chính xác hoặc hàm lượng carbohydrate, chất béo và đường. Ông cũng gợi ý rằng phương pháp này cũng có thể hỗ trợ những người mắc các bệnh về ăn uống, chẳng hạn như chứng khó nuốt. 

Đan Thuỳ