Hơn 50 tập đoàn Mỹ đến Việt Nam kỳ vọng điều gì?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:35, 22/03/2023

Sự hiện diện của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ tại Việt Nam sẽ là "đòn bẩy" mạnh mẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư không chỉ từ Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đoàn doanh nghiệp Mỹ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn đang thăm và làm việc tại Việt Nam đến 24.3. Các cuộc làm việc của đoàn với các bộ, ngành của Việt Nam ngay trong ngày đầu (21.3) được đánh giá là hiệu quả.

Dẫn đầu Đoàn doanh nghiệp Mỹ được cho là lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam là Nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Nguyên Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực USABC. Dự kiến đoàn doanh nghiệp sẽ gặp Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số bộ trưởng: Tài chính, Y tế, Công an…

netflix.jpg
Netflix - một trong những doanh nghiệp kỳ vọng mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Thành phần đoàn gồm các công ty hoạt động trong 13 lĩnh vực kinh doanh quan trọng và có tốc độ tăng trưởng cao như y tế, công nghệ, năng lượng, tài chính ngân hàng, chuỗi cung ứng, an ninh quốc phòng…

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực USABC cho hay, hơn 50 công ty hàng đầu của Mỹ thăm Việt Nam lần này sẽ tham gia vào các hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Về lĩnh vực tài chính, kỳ vọng của phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này thể hiện rất rõ ở việc rà soát cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả.

Ông Ted Osius - Nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP hơn 8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. USABC có niềm tin mạnh mẽ vào khả năng tiếp tục duy trì đà tăng trường kinh tế trong năm 2023 của Việt Nam. Ông Ted Osius cho rằng: "Sự hiện diện của hơn 50 doanh nghiệp là các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong phái đoàn lần này cũng thể niện niềm tin mạnh mẽ và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam".

Các doanh nghiệp Mỹ đã đề xuất, kiến nghị liên quan tới các nhóm vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật về thuế, hợp tác công - tư, logistic, thị trường tài chính, chuyển đổi số, y tế, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, hợp tác năng lượng tái tạo, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thương mại điện tử, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao các ý kiến, cũng như cam kết mở rộng đầu tư lâu dài tại Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ. "Bộ Tài chính cam kết luôn đồng hành, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ để cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đem lại lợi ích cho các bên. Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch tại Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Thứ trưởng cũng đã giải đáp một số các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp Mỹ liên quan tới quản lý thuế, hải quan, dịch vụ tài chính, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thị trường bảo hiểm... cũng như một số nội dung liên quan khác.

Được thành lập năm 1971, DFC (trước đây là Overseas Private Investment Corporation - OPIC) là tổ chức phát triển tài chính thuộc Chính phủ Mỹ với mục tiêu huy động vốn từ khu vực tư nhân nhằm cung cấp giải pháp tài chính cho những thách thức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, cũng như thúc đẩy chính sách đối ngoại và các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ. Bên cạnh đó, DFC giúp các doanh nghiệp Mỹ khẳng định chỗ đứng của mình tại các thị trường mới nổi, thúc đẩy doanh thu, việc làm và mở ra nhiều cơ hội phát triển trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, DFC cũng tài trợ một số khoản vay liên quan đến hợp tác thúc đẩy phát triển giáo dục đại học và lực lượng lao động. Tháng 11.2022, DFC ký hợp đồng tài trợ cho khoản vay trị giá 200 triệu USD với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) nhằm tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, đồng thời giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp tài chính Mỹ mong muốn phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt và bền vững.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng và chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ngân hàng. Qua đó tạo môi trường thuận lợi và ổn định để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Về lĩnh vực đầu tư, Boeing đề nghị Việt Nam có chính sách khuyến khích DN VN sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Bởi ngành hàng không nếu sử dụng nhiên liệu bền vững có thể giảm phát thải tới 80%. Điều này phù hợp với mục tiêu giảm phát thải về 0% đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Theo Boeing, hàng không vẫn là ngành kinh doanh hấp dẫn. Nếu Việt Nam có chính sách tốt cho sản xuất nguyên liệu hàng không bền vững thì Boeing sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam lần này có công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam. Nhiều công ty cũng đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại VN như Coca-Cola, PepsiCo... và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Hiện một số công ty Mỹ đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm ngoái. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tham gia chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.

Rất nhiều vấn đề sẽ được doanh nghiệp Mỹ và các đối tác kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung thảo luận, tìm cơ hội đầu tư. Đó là các ưu tiên trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Việt Nam dự kiến triển khai trong năm 2023 với mục đích duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu và khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vào việc thực hiện các ưu tiên đó.

Tuyết Nhung