Các nhà máy chip của Hàn Quốc ở Trung Quốc không bị buộc đóng cửa nếu nhận tài trợ từ Mỹ

Thế giới số - Ngày đăng : 17:10, 22/03/2023

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 22.3 cho biết các quy tắc từ Mỹ nhằm ngăn chặn 52,7 tỉ USD tiền tài trợ được sử dụng bởi "các quốc gia đáng lo ngại" sẽ không buộc người nhận phải đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc.

Hôm 21.3, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất các giới hạn với hãng nhận tài trợ nghiên cứu và sản xuất chip từ nước này, gồm cả các giới hạn về mở rộng đầu tư ở "các quốc gia đáng lo ngại" như Trung Quốc và Nga.

Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất và lớn thứ hai thế giới đều của Hàn Quốc, có cơ sở sản xuất chip tại Trung Quốc.

Samsung Electronics đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) có thể tiêu tốn hơn 25 tỉ USD. Trong khi SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, công bố kế hoạch đầu tư 15 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip Mỹ hồi năm ngoái. Cả hai gã khổng lồ chip nhớ Hàn Quốc đều có thể nộp đơn xin tài trợ từ chính quyền Biden.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết các quy tắc được đề xuất từ Mỹ với công ty nhận tài trợ giới hạn tăng trưởng năng lực sản xuất chip tại Trung Quốc ở mức 5% trong 10 năm theo đơn vị wafer (đĩa bán dẫn), và 10% cho các loại chip cũ hơn. Những quy định này không hạn chế việc đầu tư vào nâng cấp công nghệ và quy trình, hoặc thay thế trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của các cơ sở hiện có.

Với các cơ sở sản xuất mà các công ty của chúng tôi đang hoạt động tại Trung Quốc, dự kiến việc bảo trì và mở rộng một phần cũng như nâng cấp công nghệ sẽ tiếp tục khả thi. Khi công nghệ được nâng cấp, số chip trên mỗi đĩa bán dẫn có thể tăng lên... Điều này có thể mở rộng sản xuất hơn nữa tùy thuộc vào chiến lược của công ty", theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch liên lạc với ngành công nghiệp địa phương, phân tích các quy tắc được đề xuất và tham khảo ý kiến của các đối tác Mỹ trong vòng 60 ngày.

Một nguồn tin trong ngành giấu tên cho biết sự không chắc chắn bao gồm cả điều gì sẽ xảy ra khi giấy phép kéo dài thời hạn nhận thiết bị sản xuất chip cần thiết ở Trung Quốc của Samsung Electronics và SK Hynix hết hạn vào tháng 10.2023.

Samsung Electronics và SK Hynix cho biết sẽ xem xét các chi tiết của thông báo.

Đang đầu tư 40 tỉ USD vào một nhà máy chip mới ở bang Arizona (Mỹ) và cũng có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) từ chối bình luận về thông báo này.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc lưu ý rằng kế hoạch gần đây của Samsung Electronics đầu tư 230 tỉ USD vào nước này trong vòng 20 năm để phát triển cơ sở sản xuất chip lớn là phù hợp với những bất ổn trong việc đầu tư vào Trung Quốc hoặc Mỹ.

cac-nha-may-chip-cua-han-quoc-o-trung-quoc-khong-bi-buoc-dong-cua-neu-nhan-tai-tro-tu-my.png
Nhà máy chip nhớ của Samsung Electronics ở thành phố Tây An, Trung Quốc

Cuối tháng 2.2022, chính quyền Biden đã triển khai chương trình đạo luật Chips và Science (chip và khoa học) trị giá 52,7 tỉ USD. Đến ngày 23.2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo thông báo kế hoạch cung cấp khoản trợ cấp cho sản xuất chip, sau đó đưa thêm thông tin chi tiết về cách các công ty đăng ký tài trợ.

Đây là khoản đầu tư công rất lớn bao gồm 39,5 tỉ USD khuyến khích các nhà máy sản xuất chip, vật liệu và thiết bị, cùng với 13,2 tỉ USD dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo lực lượng lao động. Chương trình kèm theo các ưu đãi về thuế, cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư nâng cao 25% cho thiết bị sản xuất và chế biến.

Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, hơn 40 dự án đã được công bố với cam kết đầu tư gần 200 tỉ USD vào các cơ sở sản xuất mới. Các hãng chip hàng đầu Mỹ như Intel, Micron Technology và Texas Instruments... đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.

Chương trình này là một phép thử với Mỹ về việc theo đuổi chính sách công nghiệp và xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước để có thể chịu đựng được các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) ước tính chương trình có thể hỗ trợ tăng thị phần của Mỹ trong sản xuất chip toàn cầu dưới 1% và lưu ý chi phí xây dựng, vận hành một nhà máy mới ở Mỹ cao hơn 44% so với Đài Loan.

Cuối tháng 3, chính quyền Biden tiết lộ các điều kiện để trao khoản trợ cấp 39 tỉ USD với mục đích cải tổ ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Theo hãng tin Reuters, các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết một số điều khoản kỳ lạ khiến khoản tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn.

Dù không có nguồn tin nào trong ngành chip cho biết các công ty sẽ hủy bỏ kế hoạch mở rộng xây dựng ở Mỹ, nhưng họ phàn nàn về hàng loạt quy tắc của Bộ Thương mại Mỹ để nhận tài trợ, từ yêu cầu chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ đến cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng cho các công nhân xây dựng nhà máy.

Chia sẻ lợi nhuận vượt mức là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Những nguồn tin trong ngành nói rằng biện pháp này gây bất ngờ và không rõ nó sẽ được áp dụng như thế nào với các công ty. Mỗi công ty sẽ phải đàm phán các thỏa thuận riêng với chính phủ Mỹ.

"Nếu đó là tiền đề cho những điều sâu rộng hơn mà các quan chức chính phủ sẽ tìm kiếm trong giai đoạn đàm phán thì có một số lời chỉ trích rằng nó có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn", một nguồn tin trong ngành bán dẫn nói với Reuters.

Những người trong ngành cho biết ngay cả một số điều khoản được mong đợi, chẳng hạn ưu tiên cho những người nộp đơn đồng ý ngừng mua lại cổ phiếu trong 5 năm sau khi nhận được trợ cấp, có thể gây khó khăn cho một số công ty. Việc mua lại cổ phiếu giúp giữ cho các nhà đầu tư hài lòng trong điều kiện thị trường đầy biến động của ngành công nghiệp chip, vốn đã chuyển từ tình trạng thiếu hụt sang dư thừa trong 2 năm.

Tôi tin rằng điều này sẽ gây ra những phiền muộn cho các công ty. Không ai biết thị trường sẽ diễn ra như thế nào. Khoản tài trợ này sẽ hạn chế tính linh hoạt của họ”, một lãnh đạo ngành công nghiệp chip nói với Reuters, yêu cầu giấu tên vì các vấn đề nhạy cảm.

Khi công bố các quy tắc, Gina Raimondo cho biết chúng nhằm đảm bảo số tiền được chi tiêu hợp lý và theo cách có lợi cho người lao động. “Trong suốt quá trình làm việc, chúng tôi cam kết bảo vệ tiền thuế của người dân, tăng cường lực lượng lao động Mỹ và mang đến cho các doanh nghiệp Mỹ một nền tảng để họ làm những gì họ giỏi nhất: Đổi mới, mở rộng quy mô và cạnh tranh”, bà nói thêm.

Với các công ty có lợi nhuận như TSMC (chưa tiết lộ liệu có xin tài trợ từ Mỹ hay không), các điều khoản chia sẻ lợi nhuận vượt mức và không mua lại cổ phiếu có thể gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư bên ngoài Mỹ.

Một nguồn tin thứ ba trong ngành công nghiệp chip cho biết: “Thật kỳ lạ khi một công ty nước ngoài chấp nhận kiểu can thiệp này vào hoạt động kinh doanh của mình”.

Với các công ty chip đã lên kế hoạch cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho công nhân nhà máy của họ, các yêu cầu bổ sung để mang lại lợi ích tương tự cho công nhân xây dựng nhà máy mới là hơi phiền nhiễu, nhưng tất cả đều có thể kiểm soát được. Tôi lo lắng rằng một số điều này có thể làm chậm những gì mọi người đang cố gắng thực hiện", theo nguồn tin trong ngành của Reuters.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn là việc xây dựng các nhà máy chip mới có thể sẽ đắt đỏ hơn ở Mỹ, nơi chi phí vốn đã cao hơn các trung tâm công nghiệp như Đài Loan và Singapore.

Dù không ai mong đợi một "bữa trưa miễn phí", nhưng theo một nguồn tin của Reuters, các điều khoản bất ngờ sẽ buộc các công ty tính toán lại chi phí cho nhà máy ở Mỹ. Song, nguồn tin nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng đã thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi từ bỏ".

Sơn Vân