Việt Nam đang thiếu 1 triệu nhân lực công nghệ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:30, 22/03/2023

“Chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ, đây là vấn đề phải làm rất nhanh, bởi vì chúng ta muốn đi nhanh thì phải đào tạo con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngày 22.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023", với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

Nhiều ý kiến nêu rằng, hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều công nghệ mới được ứng dụng để giúp tối ưu hóa quy trình. Cuộc cách mạng này mang lại rất nhiều cơ hội mới nhưng cùng với đó là không ít thách thức cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Vậy giải pháp nào để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên. Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn, đây là đặc điểm mà chúng ta cần chia sẻ.

Khi bắt đầu đổi mới, ước tính GDP cả nước khoảng 4 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD, nhưng đến năm 2022, quy mô GDP hơn 409 tỉ USD, GDP bình quân đầu người 4.110 USD.

tt-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023"

Theo Thủ tướng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước.

"Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người. Điều chúng ta còn thiếu nhiều là kỹ năng sống và kỹ năng nghề. Kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao để chúng ta có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo Trung ương Đoàn, cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ "sống" được khi hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia. Thủ tướng ví dụ như phong trào học ngoại ngữ, phong trào học công nghệ thông tin để có một thế hệ lao động có thể đạt đẳng cấp quốc tế. Hoặc phong trào bảo vệ môi trường từ mỗi xã phường để cả nước xanh, sạch, đẹp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng dân số Việt Nam là dân số trẻ, lực lượng lao động Việt Nam trẻ nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận năng lực cạnh tranh quốc gia chưa mạnh.

Bộ trưởng Dung cũng đặt câu hỏi: Tại sao năng suất lao động của Việt Nam chưa cao? Có nhiều yếu tố, bên cạnh chuyện lao động phi chính thức còn nhiều. Rõ ràng kỹ năng lao động rồi kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống… cũng còn có vấn đề chúng ta phải quan tâm.

“Tỷ lệ lao động qua đào tạo nhìn chung thấp, 70% qua đào tạo nhưng chỉ có 26,1% có chứng chỉ. So với các nước ASEAN chúng ta thấp”, ông Dung nói và cho biết Việt Nam đang có sự phân hóa xã hội rất lớn.

tt-3.jpg
Các thanh niên đặt câu hỏi với Thủ tướng

“Chúng ta phải nhìn nhận thách thức dài hơn. Bây giờ chúng ta có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ nhưng 15 năm nữa thì cứ 4 người có 1 người già. Đây là vấn đề chúng ta phải bàn, phải quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, tôi thấy ngoài 3 trụ cột như Thủ tướng nói thì thanh niên Việt Nam chúng ta cũng như xu hướng thế giới đang phải đối đầu với 4 chuyển đổi mà không nắm bắt thì chúng ta sẽ tụt hậu”, ông Dung nêu.

Thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ

Trong đó, theo ông Dung, chuyển đổi thứ nhất là chuyển đổi công nghệ, trọng tâm là chuyển đổi số. Nó chính là cơ hội để đưa Việt Nam vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Ở lĩnh vực này tôi thấy có 2 chuyện, một là thay đổi về cung cách quản trị quốc gia; thứ 2 là thay đổi cách sống và làm việc, đặc biệt đối với giới trẻ”, ông Dung nêu.

Chuyển đổi thứ hai là chuyển đổi không gian. Không gian trọng tâm là tăng trưởng. Quá trình tăng trưởng sẽ thúc đẩy đô thị hóa. Chính đô thị hóa sẽ thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và nếu như Việt Nam không thích ứng, tuổi trẻ Việt Nam không nhanh thích ứng thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

“Có thể nói rằng chính chuyển đổi không gian thay đổi cung cách làm việc của giới trẻ. Chúng ta bây giờ không chỉ làm việc tập trung mà làm việc tại nhà, làm việc số. Đây là cái chúng ta phải thích ứng”, Bộ trưởng Dung chia sẻ.

Chuyển đổi thứ ba, theo Bộ trưởng Dung là chuyển đổi xanh, làm thay đổi mô hình kinh tế và thứ tư là chuyển đổi xã hội, từ chỗ Việt Nam có dân số trẻ bước sang dân số già.

“Chúng ta chưa có dân số già nhưng đang từ giai đoạn dân số trẻ chuyển sang giai đoạn dân số già. Do đó phải nắm bắt cơ hội này, nắm bắt cơ hội dân số vàng, nếu không chúng ta sẽ bị lạc hậu. Đồng thời, chuyển đổi xã hội sẽ đòi hỏi gia tăng tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu này sẽ dẫn dắt xã hội phát triển nhanh hơn nhưng cũng tạo ra sự phân hóa xã hội, đặc biệt là ngay trong thanh niên”, ông Dung nhấn mạnh.

tt-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của thanh niên

Bên cạnh giáo dục, đào tạo kỹ năng đại trà thì chắc chắn Chính phủ phải chọn 2 vấn đề. Cùng với hạ tầng thì phải chọn đột phá chất lượng nhân lực cao và trọng tâm là phải lấy hệ thống đại học và 4, 5 trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng. Xoay quanh vấn đề muốn chuyển đổi số nhanh thì phải đào tạo nhân lực.

“Chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ, đây là vấn đề phải làm rất nhanh, bởi vì chúng ta muốn đi nhanh thì phải đào tạo con người”, ông Dung nói.

Bộ trưởng Dung cũng cho rằng phải quan tâm hệ thống chính sách phụ cận. Ví dụ, chuẩn bị cho Trung ương 7 sắp tới, chúng ta đặt ra 1 triệu căn nhà cho công nhân và phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà tạm ở Việt Nam, tạo nền tảng cũng như chăm lo cho phúc lợi xã hội để thanh niên, công nhân, những người lao động trẻ yên tâm cống hiến, sản xuất.

Hoài Lam