Phái đoàn doanh nghiệp Mỹ 'bắt tay' với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trụ cột

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:21, 23/03/2023

Doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Mỹ sẽ hợp tác với nhau, hỗ trợ nhau ở nhiều lĩnh vực trụ cột.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USASEAN) cho biết, từ 21-23.3, đại diện hơn 50 công ty, tập đoàn Mỹ... sẽ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức.

anh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC). Ảnh: VGP

Về đầu tư, hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, là nhà tài trợ ODA quan trọng và là đối tác đầu tư thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới là rất lớn, mở rộng trên tất cả các khía cạnh về thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại thế giới.

Trong hai ngày làm việc với các cơ quan nhà nước của Việt Nam, phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã làm việc và cam kết mở rộng hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực trụ cột.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Việt Nam đã trở thành một trong các đối tác thương mại lớn của Mỹ và hiện có nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh, các doanh nghiệp Mỹ đang nhận thấy xu hướng tiếp tục mở rộng các trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh), đồ chơi, nội thất, thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Các lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng nhận được sự quan tâm mới từ cả hai bên.

Theo đó, nhiều tên tuổi quen thuộc, đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, như: Meta, Apaxe, Visa, Coca-cola, AES, Abbot, Viatris, Netffix, KKR,... Bên cạnh đó còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty Tài chính Visa, Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá Việt Nam là nền kinh tế thật sự chuyển đổi, đổi mới. Việt Nam có mạng internet cởi mở, tăng trưởng ấn tượng, lại có đội ngũ nhân sự có khả năng thích ứng, chăm chỉ.

"Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Do đó, Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực về kinh tế xanh và công nghệ. Các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào tương lai sáng lạn và muốn đóng góp tích cực hơn vào quá trình này", Giám đốc Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng tiết lộ, dòng vốn hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến các lĩnh vực phát triển và sản xuất năng lượng xanh tại Việt Nam. Đại diện AES, công ty năng lượng nằm trong top 500 công ty lớn nhất Mỹ của Fortune chia sẻ, sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sẽ mang đến công nghệ lưu trữ năng lượng - giải pháp giúp Việt Nam tích hợp được năng lượng tái tạo, giảm tắc nghẽn, ổn định lưới điện.

Về phát triển kinh tế số, theo ông Ted Osius, cơ hội phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất lớn, do đó, các doanh nghiệp Mỹ muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là về đổi mới sáng tạo. Các hoạt động này sẽ giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việt Nam luôn coi trọng chuyển đổi số và xem đây là động lực tăng trưởng để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Với cách tiếp cận tổng thể, Việt Nam mong muốn triển khai chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, người dân phải là trung tâm của chuyển đổi số, có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số với chi phí hợp lý.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ấn tượng đối với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường ICT Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã chia sẻ sự quan tâm và một số thắc mắc về việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới.

Các lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm là chính sách thúc đẩy kinh tế số, chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, các quy định về quản lý vũ trụ ảo (metaverse), tài sản số cũng như các định hướng, ưu tiên của Việt Nam trong năm dữ liệu số và cách các công ty Mỹ có thể cùng tham gia thực hiện các mục tiêu đó.

Theo đó, Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ chia sẻ các tiêu chuẩn về kỹ năng số, kinh nghiệm quản trị dữ liệu số và xây dựng môi trường số an toàn, tin cậy; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, tham gia vào thị trường Mỹ.

Về y tế, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng với Bộ Y tế Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dược, trang-thiết bị y tế, vật tư y tế... của Mỹ đã nêu tổng cộng 12 ý kiến về các vấn đề thể chế trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cảm ơn Chính phủ, Bộ Y tế vừa qua đã có những tháo gỡ vướng mắc về pháp luật để họ kinh doanh thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị được góp ý kiến từ thực tiễn vào việc xây dựng các luật, nghị định, thông tư của hoặc liên quan đến ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết các dự thảo luật như: Bảo hiểm y tế, Dược, Trang thiết bị y tế, Dân số... đều đang trong quá trình xây dựng hoặc sửa đổi. Đây là các căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

"Chính phủ và Bộ Y tế luôn cố gắng tạo một môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi nhất cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế và luôn sẵn sàng giải quyết tối đa các vướng mắc. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, phối hợp với các doanh nghiệp Mỹ để các bạn có thể tìm thấy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực y tế", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Về vấn đề an ninh, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã trao đổi trực tiếp với Bộ Công an Việt Nam. Liên quan đến kế hoạch xây dựng hạ tầng bay và các cơ sở huấn luyện cho Trung đoàn không quân Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN xem xét, tận dụng các hình thức hỗ trợ từ quỹ của Chính phủ Mỹ nhằm hạ giá thành các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ.

Có kế hoạch cụ thể trong trường hợp hai bên đàm phán, ký hợp đồng về việc chuyển giao công nghệ, sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, việc huấn luyện, đào tạo nhân sự đủ khả năng vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị, tránh để xảy ra tình trạng bàn giao được trang thiết bị nhưng nhân sự chưa đủ khả năng để vận hành.

Thủ tướng trực tiếp giải đáp, thông tin về tình hình Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp giải đáp các vấn đề với Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN và đoàn đại biểu gồm nhiều doanh nghiệp Mỹ như: Meta, Roblox, SpaceX, FedEx, UPS, Amazon Web Services, Boeing, Apple… đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Thủ tướng thông tin về tình hình Việt Nam như các trụ cột phát triển đất nước, ba đột phá chiến lược và quan điểm về khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ. Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Mỹ nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách cho các lĩnh vực mới nổi, ưu tiên các động lực tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có trách nhiệm các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Trao đổi thêm về một số ngành, lĩnh vực cụ thể, Thủ tướng cho biết, trong kinh tế số và công nghiệp sáng tạo, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp Mỹ trong sửa đổi, bổ sung các Dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Viễn thông sửa đổi.

Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật khám, chữa bệnh sửa đổi, Luật Dược… Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp và tiếp tục tăng cường việc sửa đổi, cập nhật các quy định, văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên và liên tục hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành, doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất hợp tác của các tập đoàn để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, phù hợp với định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc nhiệt điện than.

Để huy động tài chính cần thiết để triển khai các quy hoạch và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 10 năm tới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, định chế tài chính Mỹ chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị các chính sách và hỗ trợ Việt Nam để có thể đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn tài chính quốc tế tham gia vào quá trình này.

Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các ưu đãi về tài chính, lãi suất và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị, hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, làm sao để giá điện phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và thu nhập người dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích cụ thể, dài hạn, tạo được sức hấp dẫn và đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực này, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Việt Nam trong việc kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng ĐBSCL…, phía Mỹ tiếp tục mở rộng thị trường cho trái cây, cá da trơn, tôm… của Việt Nam.

Trong lĩnh vực hàng không, Chính phủ đang nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc. Trong năm 2023, bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án sân bay Long Thành và quan tâm, tham gia dự án trong vai trò là nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.

Thủ tướng cũng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan đến visa, giấy phép lao động… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuyết Nhung