Sự sống còn của Ukraine có thể được quyết định bởi đảng Cộng hòa Mỹ

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:35, 23/03/2023

Tờ Bloomberg (Mỹ) nhận định kết quả cuộc chiến tại Ukraine có thể phụ thuộc vào việc ai được chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm tới.

“Lục địa này không thể và sẽ không chống lại Nga nếu không có sức mạnh của Mỹ chống lưng”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố trong tuần này.

Theo Bloomberg, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden thực sự đã có sự hỗ trợ của châu Âu. Ông Biden không chỉ ủng hộ Kyiv ngay từ đầu mà còn gắn kết NATO và “phương Tây” một cách rộng lớn và toàn diện hơn.

Với quyết tâm này, Tổng thống Biden đã mang lại cho người châu Âu sự bảo vệ mà họ cần để chấp nhận rủi ro của chính họ thay mặt cho Kyiv. Chẳng hạn, Đức gửi xe tăng chiến đấu đến Ukraine chỉ khi Mỹ là người khởi xướng.

Nhiều nhà phân tích hoài nghi chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump liệu sẽ có động thái tương tự. Khi còn đương chức, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã khiến các đối tác NATO “hoảng sợ” khi đưa ra nhiều chất vấn về liên minh quân sự và điều khoản phòng thủ chung, đồng thời thực hiện một mối quan hệ “chính trị kỳ lạ” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu với báo giới gần đây, ông Trump đã coi việc ủng hộ Ukraine và chống lại Nga không phải là lợi ích quốc gia của Mỹ. Cựu tổng thống nói rằng nếu đắc cử vào năm 2024, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine "trong 1 ngày" bởi ông "rất hòa hợp" với người Nga.

Ông Trump cũng nhiều lần đề cập về việc cần "đánh giá lại căn bản mục đích và nhiệm vụ của NATO", đồng thời nhận định mối đe dọa lớn nhất của Mỹ không phải là Nga. "Nga chắc chắn không tấn công Ukraine nếu tôi là tổng thống", ông từng tuyên bố.

Trong khi đó, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis - người dự kiến sẽ thông báo chiến dịch tranh cử tổng thống trong những tháng tới đã nhận định xung đột tại Ukraine chỉ là “tranh chấp lãnh thổ”. Ông DeSantis cho rằng Mỹ không được vướng vào “rắc rối” làm leo thang căng thẳng và cần tập trung những ưu tiên khác trong nước.

trump-and-desantis.png
Cả ông DeSantis và cựu Tổng thống Trump đều nhất trí về việc không nên ủng hộ quá mức cho Ukraine - Ảnh Getty

Chính sách đối ngoại đã nổi lên như một rạn nứt ý thức hệ chính trong đảng Cộng hòa trong bối cảnh cuộc đề cử ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2024 nóng lên. Các ứng viên thường cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo của mình trên nhiều mặt trong chính sách đối ngoại mà đất nước đang đối mặt, từ xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc Florida Ron DeSantis kêu gọi dành nguồn lực cho các vấn đề trong nước thay vì Ukraine, một số ứng cử viên tổng thống của đảng này tuyên bố và đã thể hiện mình là những người bảo vệ kiên định cho việc trợ giúp Ukraine. Họ đã chỉ trích chính quyền ông Biden vì đã không làm nhiều hơn để giúp đỡ Kyiv.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết phe thân Kyiv tại đảng Cộng hòa có phần lép vế hơn so phe MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông Trump.

Triển vọng về trật tự và hòa bình thế giới nói chung và kết cục cuộc chiến ở Ukraine nói riêng, sẽ được quyết định phần lớn ở Washington, bất kể đảng nào nắm quyền. Điều này cũng có nghĩa là sự sống còn của Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập có thể phụ thuộc vào việc đảng Cộng hòa sẽ đề cử ai làm ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giống như những người tiền nhiệm của ông ở Điện Elysee, thường nói về khái niệm “quyền tự trị của châu Âu” là chìa khóa cho sự độc lập địa chính trị khỏi Mỹ. Song, cuộc chiến tại Ukraine đã phơi bày cho mọi người thấy rõ rằng “quân đội châu Âu” khó có thể bảo vệ bất kỳ ai.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, hiện đang theo dõi sát sao động thái của các ứng viên tiềm năng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 cũng như tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, để có thể cân nhắc các lựa chọn của mình.

Có một câu hỏi đặt ra rằng nếu ông Trump hoặc DeSantis đắc cử, liệu Mỹ sẽ dừng cam kết hỗ trợ cho Ukraine, và các cường quốc châu Âu như Đức và Pháp liệu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Kyiv hay không?

Các lãnh đạo châu Âu có thể sẽ bắt đầu cân nhắc tại sao họ phải hy sinh lợi ích của người dân trong nước để đối mặt với giá năng lượng tăng cao cùng tình trạng lạm phát kỷ lục vốn đang ngày càng chia rẽ xã hội phương Tây.

Hoàng Vũ (theo Bloomberg)