Quản lý OTT như viễn thông, doanh nghiệp nước ngoài 'than khó'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:45, 23/03/2023

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean (USABC) bày tỏ quan ngại về việc phạm vi của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) khi mở rộng đáng kể để quản lý cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông.

Dịch vụ OTT khác với viễn thông truyền thống

Góp ý cho dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), ông Vũ Tú Thành cho rằng, các dịch vụ như dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (dịch vụ OTT), dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây đều khác với dịch vụ viễn thông và không được quy định trong Luật Viễn thông truyền thống.

“Việc đưa vào quy định về các dịch vụ này theo Luật Viễn thông (sửa đổi) là không phù hợp và sẽ dẫn đến gánh nặng hành chính, làm tăng chi phí hoạt động không cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ này”, ông Thành nói.

Ông Thành cho hay, các dịch vụ OTT viễn và các dịch vụ viễn thông có sự khác biệt. Các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp… trên các nền tảng Internet chỉ có thể được cung cấp dựa trên kết nối Internet.

“Tức những người sử dụng dịch vụ này bắt buộc phải đang sử dụng dịch vụ viễn thông để kết nối Internet. Sự phụ thuộc của các dịch vụ OTT vào các dịch vụ viễn thông là một khác biệt cơ bản giữa các dịch vụ này và dịch vụ viễn thông, vì vậy không thể điều chỉnh các dịch vụ này như những dịch vụ viễn thông”, ông Thành nói.

vu-tu-thanh.jpg
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean (USABC)

Ngoài ra, ông Thành cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (đặc biệt là các nhà mạng) sử dụng các tài nguyên công cộng (như băng tần) để truyền các cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu… Họ còn có một số độc quyền (ví dụ: gắn số thuê bao) và các thỏa thuận hợp đồng (ví dụ: kết nối liên thông).

“Điều này khác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT, được vận hành thông qua mạng viễn thông Internet và cơ sở hạ tầng đã được nhà cung cấp dịch vụ viễn thông kiểm soát. Như vậy, ở cấp độ kỹ thuật, hai loại hình dịch vụ này rất khác nhau”, ông Thành nhấn mạnh.

“Nhiều quy định bất hợp lý”

Ông Vũ Tú Thành cũng chỉ rõ một số quy định bất hợp lý tại dự thảo Luật Viễn thông. Cụ thể, một số nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới có một số lượng người sử dụng và lưu lượng dịch vụ nhất định sẽ phải thành lập văn phòng đại diện hoặc ký kết thỏa thuận thương mại với công ty viễn thông trong nước.

“Việc áp đặt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT phải ký kết hợp đồng thương mại trong khi không có giao dịch thương mại nào giữa họ và doanh nghiệp viễn thông là một yêu cầu bất hợp lý. Những người sử dụng dịch vụ OTT đã có hợp đồng dịch vụ hoặc thuê bao với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có thể truy cập Internet và sử dụng các dich vụ OTT. Vì vậy, sẽ rất bất hợp lý nếu các dịch vụ OTT phải ký thêm hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông”, ông Thành nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Thành, việc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với dịch vụ OTT ở mức 65% (tương tự như các dịch vụ viễn thông) sẽ tạo nên những rào cản để các nhà cung cấp dịch vụ OTT đầu tư vào Việt Nam; đồng thời đi ngược lại nguyên tắc cơ bản về đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông theo Điều 4.2 của dự thảo Luật Viễn thông.

“Các nhà cung cấp OTT nước ngoài đang cung cấp những phương tiện để mọi người có thể trao đổi với nhau dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây, đồng thời góp phần vào quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tại Việt Nam. Việc tạo nên những hạn chế tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội, trao đổi thông tin”, ông Thành nói.

Lập văn phòng đại diện hoặc hoặc ký kết hợp đồng thương mại

Đại diện USABC cũng cho rằng, việc phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống thông qua quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, điều này sẽ cản trở đổi mới công nghệ tại Việt Nam.

ott.jpg
Doanh nghiệp lo ngại về quy định tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Ông Thành cho rằng các chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh cần được khuyến khích và theo xu thế phát triển chung của thế giới. Việc cung cấp dịch vụ internet qua vệ tinh đang là một xu thế được triển khai trên thế giới, giúp phủ sóng để cung cấp đường truyền băng rộng tới tất cả mọi vùng trên toàn cầu.

“Đây là một lựa chọn bổ sung để cung cấp kết nối Internet giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển, đồng thời đa dạng kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau. Trong tương lai sẽ còn có nhiều loại công nghệ và dịch vụ viễn thông qua biên giới được phát triển, đem lại nhiều lựa chọn cho người dùng để đáp ứng tối đa nhu cầu kết nối và liên lạc”, ông Thành nêu.

Do vậy, ông Thành khuyến nghị khoản 2 Điều 22 nên được sửa đổi để cho phép các dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới có thêm lựa chọn được lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc ký kết hợp đồng thương mại. Sửa đổi này sẽ vẫn đảm bảo khả năng quản lý của các cơ quan nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành cũng nêu, việc quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây hay cơ sở dữ liệu như các dịch vụ viễn thông đang làm cho Việt Nam trở thành một trường hợp ngoại lệ khác với các thông lệ quốc tế và không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

“Không một quốc gia phát triển nào trong khu vực quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây và cơ sở dữ liệu như các dịch vụ viễn thông”, đại diện USABC nói.

Hoài Lam