Bóng đá Việt Nam thua Thái Lan toàn diện khi V-League... nấc cục!
Thể thao - Ngày đăng : 11:25, 24/03/2023
Từ trước đến giờ, Một Thế Giới luôn khẳng định và nhắc mãi: đánh giá một nền bóng đá quốc gia phải dựa trên 2 tiêu chuẩn giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia. Trong đó, giải vô địch quốc gia là nền tảng, là bệ phóng để đội tuyển quốc gia bay cao.
V-League nghỉ vì... U.20
V-League 2023 mới diễn ra được 4 vòng đấu đã nghỉ 46 ngày để tập trung cho đội U.20 tham dự vòng chung kết châu Á diễn ra ở Uzbekistan cũng như là đội U.23 tham dự giải giao hữu Doha Cup tại Qatar.
Sau đó, V-League 2023 sẽ lại nghỉ tiếp 32 ngày để dồn sức cho SEA Games 32, giải đấu dành cho đối tượng U.22 diễn ra ở Campuchia vào tháng 5.
Trong khi đó người láng tiềng Thái Lan thì sao?
Thai-League vẫn diễn ra liên tục, chỉ gián đoạn những đợt FIFA Days. Tuy nhiên Thái Lan vẫn có đội U.23 tham dự Doha Cup, vẫn có đội U.22 dự tranh SEA Games 32 còn đội U.20 do không vượt qua vòng loại nên vắng mặt ở vòng chung kết châu Á (Việt Nam đứng đầu 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để có vé vớt dự VCK, Thái Lan chỉ xếp thứ 6/10 đội nhì bảng nên bị loại).
FIFA Days nghỉ vì... U.23
Chỉ có mỗi đội tuyển Việt Nam “ngủ và nghỉ” ở đợt FIFA Days trong tháng 3 này. Bóng đá Lào yếu như thế mà đội tuyển quốc gia Lào (hạng 187 FIFA) vẫn có 2 trận giao hữu lần lượt trước Nepal (hạng 175), Buhtan (185). Hay đội tuyển Malaysia (145) đá với Turkmenistan (135); Singapore (160) đá với Hồng Kông (146); Myanmar (159) gặp Ấn Độ (106) và Kyrgyzstan (94). Thái Lan (111) dĩ nhiên cũng có 2 trận trước Syria (90) và UAE (70).
Có một điểm chung ở các đội tuyển khu vực Đông Nam Á là các đội đều chọn đối thủ có vị trí cao hơn họ trong bảng xếp hạng FIFA.
Ngay cả 2 đội tuyển hàng đầu châu Á là Nhật Bản (20) và Hàn Quốc (25) cũng chọn chung 2 đối thủ để hoán chuyển thi đấu giao hữu là Uruguay (16) và Colombia (17).
Riêng Trung Quốc (80) lại chọn đá giao hữu 2 trận với một đối thủ có thứ hạng thấp hơn là New Zealand (105).
Dĩ nhiên bóng đá Việt nam (BĐVN) không thể học theo cách làm bóng đá của Trung Quốc, một nền bóng đá đã và đang thoái trào sau hơn 10 năm “đổ” vào đó không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức cùng thời gian vì một chiến lược cùng tầm nhìn sai lệch!
Khi điểm lại để cùng phác họa những gì guồng máy BĐVN được vận hành so với khu vực Đông Nam Á và châu Á thì chúng ta mới càng thấy rõ hơn cách vận hành trái với đồng hồ sinh học của bóng đá quốc tế: người ta luôn thức để đá thì Việt Nam chỉ nghỉ để ngủ!
Đó là lý do vì sao dù mới nhận chức HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam nhưng HLV Philippe Troussier đã chẩn đoán được ngay căn bệnh trầm kha của BĐVN. Đó là số trận thi đấu mỗi năm của cầu thủ đỉnh cao của BĐVN quá ít. Mà nhiều sao nổi khi tính từ khi kết thúc V-League 2022 đến khi V-League 2023 trở lại vào ngày 6.4, các cầu thủ V-League phải chờ đến 34 ngày mới đá được... 1 trận.
Đó cũng là lý do HLV Troussier mong muốn cầu thủ Việt Nam được đá từ 50 đến 60 trận mỗi năm và trong các đợt FIFA Days, đội tuyển Việt Nam nên chọn các đối thủ trong Top 60 - 70 FIFA để thi đấu. HLV Troussier cũng nói rõ, ông không cần đội tuyển tập trong thời gian dài.
Những chẩn đoán của HLV Troussier liệu những người đang điều hành chuyên môn BĐVN có thực hiện?
Trả lời ngay và luôn vào lúc này là: không làm được!
Tương lai thì sao?
Vẫn chưa có kế hoạch cùng tầm nhìn chiến lược nào để giúp hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam “đầu to, đít teo” trở lại hình hài bình thường - kim tự tháp, như bóng đá thế giới: càng lên hạng cao, số đội càng ít (Việt Nam hiện nay V-League có 14 đội, còn Hạng nhất 10 đội).
Hậu quả: BĐVN thua Thái Lan toàn diện!
Đầu năm 2023, Liên đoàn Thống kê và lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) đã đưa ra bảng xếp hạng những giải đấu và CLB hàng đầu thế giới trong năm 2022.
Trong Top 80 giải vô địch quốc gia hàng đầu được IFFHS này thống kê, Thai-League xếp hạng 71 thế giới, và thật đau lòng: V-League không có tên trong bảng xếp hạng.
Càng đắng lòng hơn nữa khi IFFHS nhận định: V-League còn không so sánh được với các giải quốc gia của: đảo Faroe, Moldova, Zambia, Nicaragua.
Trong Top 500 CLB hàng đầu thế giới, cũng không có CLB nào Việt Nam trong bảng xếp hạng của IFFHS. Trong khi đó Thái Lan có 2 đại diện là Buriram United và BG Pathum United. Malaysia có 1 CLB là Johor Darul Tazim.
Như vậy BĐVN thua Thái Lan toàn diện từ cấp CLB cho đến giải vô địch quốc gia. Còn vị trí trên bảng xếp hạng FIFA của VN (96) cao hơn Thái Lan (111) chỉ có giá trị tham khảo vì thực tế, đội tuyển Thái Lan đã vô địch 2 AFF Cup liên tiếp 2020, 2022 và trên đường về đích để nâng cao chiếc cúp vô địch, họ đã trực tiếp đá bại đội tuyển Việt Nam.
Chúng ta đã quá ảo tưởng và bị ru ngủ trong những năm tháng dưới triều đại HLV Park Hang-seo, vì thực tế hệ thống bóng đá Thái Lan hoàn hảo hơn BĐVN, đội tuyển Thái Lan cũng đẳng cấp hơn đội tuyển Việt Nam.
Thế nhưng ở các đấu trường U, BĐVN không thua kém bóng đá Thái Lan, thậm chí còn nhỉnh hơn.
Lý do? Đơn giản vì bệnh thành tích. BĐVN quá chú trọng thắng thua trong mọi cấp độ. Nếu như bóng đá Thái Lan ưu tiên cầu thủ trẻ đá các giải trẻ, những cầu thủ tuổi U đã thi đấu cho đội tuyển quốc gia sẽ không xuống thi đấu cho các đội U. Còn BĐVN thì dừng hẳn giải đỉnh cao cho các đội U; vì huy chương vàng SEA Games mà tăng cường 3 tuyển thủ quốc gia qua tuổi quy định cũng như các cầu thủ U đã có suất chính thức ở đội tuyển quốc gia vẫn khoác áo đội tuyển U, thậm chí đang thi đấu nước ngoài cũng phải trở về VN thi đấu các giải U vì bệnh... thành tích.
Cũng đừng quên, đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2022 chỉ giữ 7 tuyển thủ vô địch AFF Cup 2022; 10 cầu thủ hay nhất của họ vẫn thi đấu ở nước ngoài (AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên các CLB được quyền từ chối trả cầu thủ về đội tuyển quốc gia), cũng như là tập huấn ở Leicester City (Anh), vậy mà họ vẫn thắng thuyết phục đội tuyển Việt Nam với đầy đủ tinh binh.
***
Trở lại kết luận bất di bất dịch: một nền bóng đá mạnh là có giải vô địch quốc gia mạnh, từ đó sẽ có đội tuyển quốc gia mạnh. Rõ ràng đội tuyển Thái Lan được hưởng lợi từ Thai-League quá nhiều. Một giải vô địch quốc gia được tổ chức bài bản, học hỏi từ châu Âu, có tính cạnh tranh cao với nhiều đội bóng được đầu tư lớn, các trận đấu hàng tuần có tính cạnh tranh cao, quyết liệt, hấp dẫn, từ đó các cầu thủ Thái Lan trở nên giỏi hơn, kỹ thuật cá nhân tốt hơn, nhãn quan chiến thuật linh hoạt hơn, thể lực sung mãn hơn... Tóm lại các cầu thủ đỉnh cao Thái Lan có điều kiện phát triển toàn diện hơn hẳn các cầu thủ đỉnh cao Việt Nam.
Tầm nhìn người làm bóng Thái Lan và Việt Nam khác nhau, nên kết quả khác nhau là lẽ thường.
Nếu thành tích BĐVN dưới thời HLV Troussier không như mong đợi, thì lỗi rất lớn thuộc về những người đang phụ trách điều hành chuyên môn BĐVN. Tại sao?
Vì rằng dù có mời những HLV siêu hạng của bóng đá thế giới đến Việt Nam làm việc, thì thành tích BĐVN cũng không thể tốt hơn được, nếu như bộ máy BĐVN vẫn “quay cuồng không giống ai” như hiện nay!