Mặt hàng tỉ USD sang các nước liên tục lao dốc mạnh do lạm phát
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:17, 25/03/2023
Tôm luôn được xem là ngành hàng xuất khẩu tỉ USD đem lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu phấn đấu nuôi trồng đạt sản lượng 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỉ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Vậy ngành tôm sẽ làm gì đề đạt được mục tiêu đầy tham vọng này trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, xuất khẩu 2 tháng đầu năm đang giảm mạnh?
Tháng 2 vừa qua, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu USD, giảm 40%.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm nay do nhu cầu thị trường chững, lạm phát thế giới ở mức cao, tồn kho tại Mỹ nhiều, tiêu dùng tại EU thắt chặt do khó khăn kinh tế, và cũng bởi vì cùng thời điểm này năm ngoái, xuất khẩu tôm tăng quá mạnh (với 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ 2021).
Tháng 2.2023, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm từ 12 - 35%, một số thị trường đã có tín hiệu tăng trưởng như Trung Quốc, Úc, Pháp, tăng từ 4 - 7%. Trong top 5 thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU giảm mạnh; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm nhưng tốc độ giảm ít hơn; xuất khẩu sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, tăng 4%.
2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Nhật Bản tăng từ 51 - 58 triệu USD. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 46 triệu USD, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 34 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay giảm từ 16 - 51% so với cùng kỳ.
Về sản lượng sản xuất tôm, theo chuyên gia của VASEP, hoạt động nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5%, sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Các tháng cuối năm 2022 và kéo sang đầu năm nay, lạm phát toàn cầu tăng cao, bất ổn kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm giảm sút. Cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Độ năm nay cũng gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn. Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng.
Trong bối cảnh khó khăn, chuyên gia của VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp phải cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm rừng, tôm lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc thị trường...
"Bên cạnh thách thức, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp năng động, thích ứng sớm với điều kiện mới sẽ tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường. Kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam các tháng tới sẽ khá hơn khi tồn kho tại Mỹ giảm bớt, tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực", chuyên gia VASEP khẳng định.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, bên cạnh thuận lợi thì ngành tôm Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 cho đến nay và dự báo sẽ còn giảm tiếp khi sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục từ 6 - 7 triệu tấn.
Do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với chiến tranh Nga - Ukraine, nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tại các doanh nghiệp nhập khẩu còn rất lớn.
Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, đến thời điểm này có rất ít doanh nghiệp có được đơn hàng mới. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm nhưng giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến rất khó khăn.