Tạo ra băng gạc thông minh giúp làm lành vết thương mạn tính

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:02, 25/03/2023

Các nhà khoa học đã phát minh ra một loại băng thông minh có thể theo dõi các vết thương mạn tính và giúp chúng lành lại nhanh chóng.

Theo số liệu từ năm 2018, có 2,2 triệu người ở Anh phải vật lộn với vết thương mạn tính. Bình thường, vết thương sẽ liền trong vòng 4 - 6 tuần, tuy nhiên có nhiều vết thương không liền trong thời gian ấy. Người ta xếp chúng vào nhóm vết thương khó lành, vết thương mạn tính.

Các vết thương khó lành, vết thương mạn tính ngày càng phổ biến trong đời sống theo sự phát triển của kinh tế - xã hội và tuổi thọ của dân chúng, thường gặp trong những trường hợp bỏng nặng, vết thương ngoại khoa có biến chứng, vết thương là hậu quả của bệnh lý mạch máu, đái đường, xạ trị, tì đè, bệnh lý miễn dịch da… 

Điều trị vết thương mạn tính rất khó khăn, phức tạp, là một thách thức lớn, đòi hỏi tổng hợp nhiều biện pháp điều trị trong một thời gian dài, trong đó vấn đề thay băng đóng vai trò quan trọng. Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tạo ra một thiết bị có thể giúp những vết thương như vậy mau lành. Thiết bị này là một hệ thống điện tử sinh học, không dây, có thể co giãn và có thể dính vào da.

anh-chup-man-hinh-2023-03-25-luc-11.58.21.png
Một bệnh nhân đang sử dụng băng gạc thông minh - Ảnh: Internet

Tiến sĩ Wei Gao, đồng tác giả của nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Mỹ) cho biết: "Thiết bị này bao gồm hai phần, một bảng mạch in linh hoạt có thể tái sử dụng và một miếng dán dùng một lần. Miếng dán dùng một lần chứa cảm biến sinh học, điện cực và hydrogel chứa thuốc". 

Các cảm biến sinh học giúp thiết bị băng gạc thông minh theo dõi các đặc điểm của vết thương như nhiệt độ, độ pH và mức độ của các chất bao gồm glucose, axit uric và lactate - các chỉ số cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về việc liệu vết thương có bị nhiễm trùng hay không và mức độ viêm nhiễm của nó.

Thiết bị này cho phép áp dụng kích thích điện - một kỹ thuật trước đây được phát hiện là có thể khiến vết thương mau lành. Nó cũng cho phép giải phóng có kiểm soát các loại thuốc chống viêm và kháng khuẩn.

Gao cho biết: "Tất cả các tín hiệu có thể được gửi đến thiết bị không dây của người dùng, chẳng hạn như máy tính hoặc điện thoại di động. Chúng tôi có thể kiểm soát việc giải phóng thuốc bằng cách áp dụng điện thế". 

Viết trên tạp chí Sciene Advances, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách họ thử nghiệm băng gạc thông minh trên vết thương của chuột mắc bệnh tiểu đường trước và sau khi bị nhiễm trùng. Họ phát hiện ra rằng các thiết bị có thể phát hiện các đặc điểm bao gồm nhiệt độ, nồng độ glucose và độ pH của vết thương. Các phép đo này đã thay đổi như mong đợi trước và sau khi chuột được điều trị.

Hơn nữa, những con chuột được sử dụng băng gạc thông minh cho thấy tỷ lệ đóng vết thương cao hơn và ít để lại sẹo hơn so với những con chuột không băng vết thương.

Nhóm nghiên cứu cho biết, dự kiến ​​chi phí ở mức hàng chục USD cho phần bảng mạch in có thể tái sử dụng của thiết bị và một vài USD cho miếng dán dùng một lần. Họ nói thêm rằng hiện tại băng gạc thông minh có thể được sử dụng trong 1 - 2 tuần. Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, bao gồm các nghiên cứu trên lợn và người, nhà nghiên cứu Gao cho biết hy vọng băng thông minh có thể được sử dụng tại các phòng khám trong vòng 5 - 10 năm tới.

Đan Thuỳ