TP.HCM hợp tác phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ
Sự kiện - Ngày đăng : 17:36, 25/03/2023
Dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.
Các tỉnh phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. TP.HCM là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước...
Do đó, Chương trình hợp tác phát triển KT-XH TP.HCM với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TP.HCM và các địa phương đã trao đổi, kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau trên các lĩnh vực đầu tư bất động sản; xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; xúc tiến thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội…
Lãnh đạo các cấp TP.HCM và các địa phương đã tạo điều kiện, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp của TP.HCM tới đầu tư sản xuất kinh doanh.
Qua chương trình hợp tác đã thu hút được các nguồn lực từ TP.HCM đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH của các tỉnh trong khu vực. Cùng đó, các doanh nghiệp tại các địa phương đã tìm kiếm được cơ hội và thuận lợi trong phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của các địa phương đã tạo được sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý, tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa TP.HCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt đông quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được từ chương trình hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể đối với từng địa phương; thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để tạo cơ hội phát triển cho các tỉnh.
Đại biểu các tỉnh cũng thông tin về những tiềm năng, lợi thế, định hướng và những giải pháp phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới. Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn TP.HCM tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các tỉnh tham gia các diễn đàn kinh tế hợp tác phát triển; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ phát triển du lịch...
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã nhìn nhận những hạn chế nhất định. Do khoảng cách về địa lý giữa TP.HCM và 9 tỉnh khá xa nên còn nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin, trao đổi, triển khai các nội dung hợp tác giữa sở ngành các địa phương. Nhiều hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin, chưa có nhiều hoạt động mang tính thực chất, lan tỏa, đem lại hiệu quả cao. Một số dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc nên tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Số lượng dự án của các nhà đầu tư từ TP.HCM đầu tư chưa tương xứng năng lực, tiềm lực, tiềm năng lợi thế của các tỉnh.
Trong giai đoạn tới, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thống nhất quan điểm phát triển, đó là quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển từng địa phương, vùng. Liên kết phát triển để tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong vùng.
Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng kinh tế phía Bắc và Bắc Trung bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị sau hội nghị, các địa phương xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương trong thời gian tới.
Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi, tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng, đảm bảo tốt không gian phát triển chung của đất nước.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan của TP.HCM thực hiện các nội dung hợp tác; duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa thành phố và các địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP.HCM tham gia xúc tiến đầu tư, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngân sách cho các địa phương và TP.HCM.
Tại hội nghị, các địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư; du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; giáo dục, đào tạo và y tế...