Sau khi CEO TikTok bị tra hỏi nhiều giờ ở Washington, CEO Apple tươi cười tại Bắc Kinh
Thế giới số - Ngày đăng : 18:15, 25/03/2023
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) do chính phủ tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh, Tim Cook cho biết Apple và Trung Quốc đã "phát triển cùng nhau" suốt ba thập kỷ qua.
“Đây là một kiểu quan hệ cộng sinh mà tôi nghĩ cả hai bên đều thích. Chúng tôi có một chuỗi cung ứng rất lớn tại Trung Quốc. Chúng tôi cũng có một App Store phát triển”, Tim Cook phát biểu.
Ông nói rằng rất hào hứng khi trở lại Trung Quốc, nơi chỉ mở lại biên giới trong năm nay sau khi bỏ chính sách kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của mình.
Tim Cook cho biết Apple có kế hoạch tăng chi tiêu cho chương trình giáo dục nông thôn ở Trung Quốc lên 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD), đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là trẻ em phải trau dồi cả kỹ năng lập trình và tư duy phản biện trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Ông nhấn mạnh những lo ngại của Apple về việc lạm dụng công nghệ, đặc biệt là với sự tiến bộ gần đây trong trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế tăng cường (AR).
Theo Tim Cook, sự đổi mới sẽ chỉ tăng tốc và những người sáng tạo công nghệ cần sử dụng chúng theo đúng cách để giúp đỡ nhân loại chứ không phải chống lại nó.
“Tôi nghĩ trách nhiệm to lớn với bất kỳ người sáng tạo công nghệ nào là phải làm điều đó”, tỷ phú 62 tuổi người Mỹ nói.
Việc Tim Cook đến Trung Quốc khiến nhiều người nghi ngờ bởi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ với cường quốc châu Á vẫn đang diễn ra và có thông tin cho rằng Apple đang xem Ấn Độ như một cơ sở sản xuất thay thế tiềm năng.
Hôm 24.3, Tim Cook đăng một bức ảnh cười với khách hàng và nhân viên tại cửa hàng Apple ở khu mua sắm Sanlitun thuộc Bắc Kinh trên mạng xã hội Weibo.
Bức ảnh đó xuất hiện chỉ một ngày sau khi Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, bị chất vấn trong phiên điều trần kéo dài 5 giờ trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ tại Washington, nơi các nhà làm luật Mỹ vẫn cho rằng ứng dụng của tập đoàn ByteDance đang đại diện cho một mối đe dọa khẩn cấp với an ninh quốc gia.
Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt được sự tương phản rõ ràng giữa trải nghiệm trái ngược của hai giám đốc điều hành danh tiếng.
“Giám đốc điều hành TikTok bị công kích tại phiên điều trần ở Mỹ, trong khi Giám đốc điều hành Apple được người dân tại cửa hàng của công ty ở Trung Quốc chào đón nhiệt tình. Điều này cho thấy Trung Quốc thực sự đang thực hành thương mại công bằng và tự do”, Thời báo Hoàn cầu (ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo) trích dẫn bình luận của một cư dân mạng.
Chính quyền Biden đã yêu cầu các chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok bán cổ phần hoặc ứng dụng phải đối mặt với lệnh cấm từ Mỹ. Mỹ hiện là thị trường quan trọng nhất với TikTok.
Trong cuộc họp giao ban hôm 23.3, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng: "Việc buộc bán TikTok sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả Trung Quốc, với việc đầu tư vào Mỹ. Nếu tin tức là sự thật, Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối nó".
“Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và các thủ tục cấp phép hành chính phải được thực hiện theo luật pháp và quy định của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định theo quy định của pháp luật”, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm.
Mỹ từ lâu đã lo ngại về các hành vi thu thập dữ liệu của TikTok. Mối lo ngày càng gia tăng bởi sự phổ biến của TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác. Trong số 10 ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên Apple Store của Mỹ, có tới 4 ứng dụng được phát triển bằng công nghệ Trung Quốc, gồm TikTok, ứng dụng mua sắm Temu, nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Shein và ứng dụng chỉnh sửa video CapCut (cũng thuộc sở hữu của ByteDance).
Trong khi đó, Apple đã xem xét lại mức độ quan hệ của mình với Trung Quốc. Những chuỗi cung ứng của Apple từng bị gián đoạn bởi quy định nghiêm ngặt về đại dịch tại Trung Quốc và đã xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực vì tiền lương thưởng tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
Trong bối cảnh những vấn đề này và những bất đồng thương mại rộng hơn giữa Mỹ với Trung Quốc, Apple được cho đã nhìn vào Ấn Độ như trung tâm sản xuất tiềm năng khác cho dòng iPhone 14.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi có thể tăng tính đa dạng cho nguồn cung của mình, Apple có khả năng vẫn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian dài.
Tim Cook nói trong cuộc gọi báo cáo lợi nhuận vào năm 2022 rằng Ấn Độ là thị trường "rất thú vị" và "mục tiêu chính của Apple", ghi nhận "tốc độ tăng trưởng hai con số rất mạnh mẽ hàng năm". Điều này cho thấy sự quan tâm cao của Apple đến việc mở rộng sản xuất tại quốc gia Nam Á này.
Dù căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến các đề xuất "phân ly" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dữ liệu gần đây cho thấy thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục cao nhất vào năm 2022.
Theo dữ liệu chính thức từ Mỹ, thương mại hàng hóa song phương giữa hai quốc gia tăng lên 690,6 tỉ USD vào năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thêm 2,4 tỉ USD lên 153,8 tỉ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng thêm 31,8 tỉ USD lên 536,8 tỉ USD, theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ.
Dữ liệu này cho thấy ý tưởng về "phân ly" hoặc giảm sự phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, được thảo luận trong chính sách ở Mỹ, nhưng không thể phản ánh thực tế thương mại trên thực địa.
Trong chuyến đi Trung Quốc của mình, Tim Cook đã dừng chân tại cửa hàng Apple ở Bắc Kinh cùng Deirdre O'Brien, giám đốc bán lẻ của công ty và các nhà lãnh đạo khác. Ngoài ra, Tim Cook cũng gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Các cuộc họp, cùng với việc ông tham dự CDF, rất quan trọng khi Tim Cook tìm cách duy trì mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với chính phủ Trung Quốc.
Apple sản xuất phần lớn sản phẩm của mình tại Trung Quốc, giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương, và có đặc quyền thâm nhập thị trường này, bao gồm khả năng vận hành hàng chục cửa hàng, bán sản phẩm và điều hành nhiều dịch vụ trực tuyến.
Kể từ khi Tim Cook điều phối việc mở rộng ở Trung Quốc khoảng một thập kỷ trước, các sản phẩm Apple đã trở nên phổ biến tại đây. Hiện nay, Trung Quốc đóng góp khoảng 20% doanh số bán hàng của Apple. Với iPhone là sản phẩm chủ lực, công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) đã thu về hơn 40 tỉ USD doanh thu từ Trung Quốc mỗi năm kể từ 2015 và gần đạt mức 75 tỉ USD doanh thu từ Trung Quốc trong năm tài chính vừa qua.
Thế nhưng, mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc đang có dấu hiệu rạn nứt. Được hỗ trợ bởi Foxconn, sự hiện diện sản xuất của Apple tại Trung Quốc đã rộng khắp và không thể lay chuyển trong hơn 2 thập kỷ. Apple đã gặp khó khăn trong sản xuất những năm gần đây do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc đóng cửa nhà máy do đại dịch, trì hoãn việc ra mắt các sản phẩm như MacBook Air 2022 và hạn chế nguồn cung iPhone 14 Pro.
Mối quan hệ đối tác này cũng khiến Apple phải đối mặt sự chỉ trích ở quê nhà vì tuân thủ các luật kiểm duyệt và lưu trữ dữ liệu của Trung Quốc. Công ty đã thực hiện các thay đổi với những sản phẩm của mình những năm gần đây để giải quyết những lo ngại của chính phủ Trung Quốc, gồm cả việc giới hạn tính năng chia sẻ file AirDrop theo cách được nhiều người coi là phương thức để ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Nỗ lực liên tục của Apple để chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể gây áp lực thêm cho nền kinh tế quốc châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức thấp 5% trong năm 2023.
Tim Cook nằm trong một nhóm các giám đốc điều hành công ty hàng đầu Mỹ tham dự CDF.
Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple, công ty giá trị nhất thế giới) sẽ cùng Jon Moeller (Giám đốc điều hành gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble), Stephen Schwarzman (Giám đốc điều hành công ty đầu tư Blackstone) và Ray Dalio (người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates) tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF), theo trang web của sự kiện.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày này sẽ là cuộc họp ngoại tuyến đầu tiên của CDF sau 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, được coi là câu trả lời của Trung Quốc cho hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) diễn ra hồi tháng 1.
Các giám đốc điều hành đa quốc gia tham dự sự kiện, được tổ chức tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, sẽ gặp gỡ các bộ trưởng và quan chức hàng đầu Trung Quốc.
Theo trang SCMP, trong những năm qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài thường có cơ hội gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc. Sự kiện năm nay có thể chứng kiến Lý Cường, tân Thủ tướng Trung Quốc, lần đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các công ty nước ngoài kể từ khi ông đảm nhận công việc vào tháng 3.
Hội nghị thượng đỉnh kín sẽ diễn ra khi các doanh nghiệp quốc tế đang đánh giá lại sự hiện diện và triển vọng của họ tại Trung Quốc sau ba năm phong tỏa hà khắc vì đại dịch và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ví dụ, Apple và các nhà sản xuất theo hợp đồng của họ đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam và Ấn Độ.
Trong khi Tim Cook có thể đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc và đã đạt được nhiều tiến bộ thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là một thị trường quan trọng với công ty, theo Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital.
Brock Silvers nhận xét: “Dù đang cố gắng rời khỏi Trung Quốc, Apple vẫn duy trì mối quan hệ kinh doanh quan trọng ở đó. Thế nên việc Tim Cook tham gia CDF là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng có thể là động thái tiếp thị mạnh mẽ, vì Tim Cook thường được coi là một ngôi sao ở Trung Quốc”.
Bất chấp căng thẳng chính trị giữa hai nước, các sản phẩm Apple vẫn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Apple là nhà cung cấp smarphone hàng đầu tại quốc gia này trong quý 4/2022, với cứ 4 smartphone được bán vào tháng 10 năm ngoái thì có 1 chiếc là iPhone, theo công ty tư vấn Counterpoint.