Hàn Quốc tăng tốc lập căn cứ thường trực cho hệ thống THAAD
Chuyển động - Ngày đăng : 11:50, 27/03/2023
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết vừa tổ chức tập trận chung có sử dụng một dàn THAAD. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên kể từ khi THAAD được triển khai ở Hàn Quốc.
USFK tuyên bố: “Do những mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, việc tập luyện lực lượng THAAD của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, kết hợp kế hoạch phòng thủ trong liên minh, thể hiện cam kết vững chắc ủng hộ và bảo vệ Hàn Quốc, tăng cường an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực làm việc để lập căn cứ THAAD thường trực kể từ tháng 6 tới.
Trong khi đó, dự kiến Bộ Môi trường Hàn Quốc sẽ công bố bản đánh giá tác động môi trường từ việc triển khai THAAD. Một khi cơ quan này bật đèn xanh, quân đội Mỹ sẽ được phép kích hoạt quy trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho căn cứ THAAD.
Dù có những lo ngại rằng động thái của Hàn Quốc sẽ khiến Trung Quốc cực lực phản đối, các nhà phân tích nhận định hiện tại Bắc Kinh không có nhiều phương án trả đũa, so với các phương án đã thực hiện hồi năm 2017, do hiện tại kinh tế Trung Quốc bị suy yếu và nước này đang gia tăng căng thẳng với Mỹ.
“Trung Quốc sẽ tăng đe dọa khi chính phủ Hàn Quốc tiếp tục chuyển đơn vị THAAD thành một căn cứ thường trực, nhưng họ sẽ khó thể áp đặt những trừng phạt mạnh hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến hồi năm 2017”, theo Giáo sư Kang Joon-young chuyên nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc).
Ông Kang nhấn mạnh: “Vào lúc leo thang đối đầu với Mỹ, Trung Quốc xem ra không sẵn sàng trở thành kẻ thù với các nước láng giềng. Và việc Triều Tiên tăng đe dọa hạt nhân càng ủng hộ quyết định theo đuổi phương án phòng thủ mạnh hơn của chính phủ Hàn Quốc”.
Nhà nghiên cứu cao cấp Lee Dong-gyu ở Viện Nghiên cứu chính sách Asan cùng chung nhận định trên: “Vì Mỹ tăng tầm ảnh hưởng ở Đông Bắc Á thông qua hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, việc trả đũa Seoul về việc dàn THAAD có thể phản tác dụng với chính các quyền lợi chiến lược của Trung Quốc. Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc hiện trải qua cuộc khủng hoảng lớn nên họ sẽ ngại tung ra những trừng phạt kinh tế đối với quốc gia khác”.
Tuy nhiên, ông Lee cũng nhấn mạnh Hàn Quốc nên cảnh giác trước khả năng trả đũa của Trung Quốc, từ đó nên tăng thông báo cho Bắc Kinh biết rằng việc dàn THAAD không nhằm đe dọa quyền lợi an ninh của Trung Quốc.
Mỹ từng triển khai THAAD có khả năng ngăn chặn các tên lửa ở vùng ngoại ô thành phố Seongju tỉnh Bắc Gyeongsang hồi năm 2017, nhằm đề phòng mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhưng việc dàn THAAD khi ấy chỉ là tạm thời, do Trung Quốc cực lực phản đối với lý do radar của THAAD có thể được dùng để do thám các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Bắc Kinh xem việc Hàn Quốc bố trí THAAD là đe dọa an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đã đáp trả bằng những mức trừng phạt kinh tế, thậm chí ngầm cấm các chương trình giải trí của Hàn Quốc.
Cư dân thành phố Seongju ở phía đông nam Hàn Quốc cũng phản đối vì lo ngại những tác động xấu đối với sức khỏe của người dân và với môi trường.
Vì thế, chính phủ Hàn Quốc thời tổng thống Moon Jae-in đã có chính sách “3 không” nhằm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. Chính sách này gồm: không triển khai thêm THAAD, không đưa Hàn Quốc vào mạng lưới hệ thống tên lửa khu vực, không liên minh với Mỹ và Nhật Bản.