Tiền Giang: Vì sao chưa thống nhất phương án xây dựng cầu Xuân Hòa?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:08, 27/03/2023

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Chợ Gạo đang khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để triển khai thi công xây dựng cầu Xuân Hòa.

UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung đầu tư, triển khai dự án Đường tỉnh 864, trong đó cầu Xuân Hòa là một trong những hạng mục quan trọng. Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tiền Giang làm chủ đầu tư; kinh phí xây lắp khoảng 40 tỉ đồng, kinh phí giải tỏa bồi thường trên 20 tỉ đồng.

Cầu Xuân Hòa bắc qua kênh Xuân Hòa, ở vị trí cách cửa cống hơn 80 mét, có 3 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét; chiều rộng 12 mét. Theo thiết kế, cây cầu có 2 trụ với khoảng thông thuyền hơn 15 mét nằm dưới lòng kênh. Hiện nay, công trình này đang trong giai đoạn hoàn tất công tác giải tỏa bồi thường, chuẩn bị khởi công.

cau-tg-3(1).jpg
Cống thủy lợi Xuân Hòa - Ảnh: Mỹ Tho

Tuy nhiên, khi cầu Xuân Hòa chuẩn bị thi công xây dựng thì ông Nguyễn Văn Nhã, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, đã có văn bản gửi UBND và Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Nhã, công trình này tác động đến hoạt động của cống Xuân Hòa. Hai trụ giữa của cầu có thể gây ảnh hưởng đến dòng chảy, không đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy lưu thông khi cống vận hành. Ngoài ra, diện tích thu hồi đất chồng lên phần bê tông xây đúc của công trình.

Phía Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang có ý kiến rằng chủ đầu tư nên dịch chuyển vị trí xây dựng cầu ra khỏi phạm vi bảo vệ cống thủy lợi, cách phần bê tông xây đúc 30 mét. Trường hợp không dịch chuyển vị trí cầu thì cho đặt móng trụ cầu trong phạm vi bảo vệ an toàn cống Xuân Hòa, nhưng phải cách phần xây đúc của cống ít nhất 10 mét.

cau-tg(1).jpg
Cầu Xuân Hòa sắp xây dựng gần cống thủy lợi Xuân Hòa - Ảnh: Mỹ Tho

Liên quan đến vấn đề này, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cho biết, quá trình làm hồ sơ, thủ tục xây cầu Xuân Hòa đều đảm bảo đúng pháp luật. Quá trình khảo sát, thẩm định đều có mặt các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Công trình cầu Xuân Hòa thuộc nhóm A nên được Bộ GTVT thẩm định chuyên ngành.

Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, sở dĩ quá trình khảo sát, thẩm định không mời Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tham dự vì đã có đại diện Sở NN-PTNT Tiền Giang. Đây là cơ quan thay mặt UBND tỉnh quản lý về thủy lợi, trong đó có cống Xuân Hòa, nên không cần thiết phải tham khảo thêm ý kiến của đơn vị vận hành cống Xuân Hòa.

Ngoài ra, hai trụ giữa của cầu nằm dưới kênh Xuân Hòa có thiết kế độ thông thuyền trên 15 mét. Trong khi đó, bề ngang miệng cống Xuân Hòa chỉ có 8 mét; hai đế chân trụ hình chữ nhật ngang 1,2 mét và lắp đặt xuôi theo dòng nước nên không ảnh hưởng đến dòng chảy và việc lưu thông của các phương tiện. Hơn nữa, cống Xuân Hòa có lưu lượng nước, tần suất dòng chảy không cao, không có phương tiện thủy trọng tải lớn ra vào nên việc xây cầu Xuân Hòa không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng.

Ông Ưng Hồng Nghi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, nếu dịch tuyến thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông sau này nên không thể thực hiện. 

cau-tg-5(1).jpg
Công văn xin điều chỉnh phương án xây dựng cầu Xuân Hòa - Ảnh: Mỹ Tho

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về hồ sơ, thủ tục để thi công cầu Xuân Hòa đã hoàn thành nên khó thay đổi vị trí xây dựng công trình. Theo một số chuyên gia có kinh nghiệm về thủy lợi, cầu Xuân Hòa xây dựng cách miệng cống Xuân Hòa hơn 80 mét trong điều kiện bình thường như hiện nay cũng không ảnh hưởng gì lớn. Trong khi đó, nếu thay đổi thiết kế, dịch chuyển vị trí sẽ kéo theo những vấn đề phát sinh; đặc biệt sẽ làm tăng nguồn kinh phí đầu tư.

Sau khi nhận được văn bản của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, Sở GTVT Tiền Giang đã mời các ngành có liên quan như: Sở NN-PTNT, Sở Tài Nguyên - Môi trường, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh, UBND huyện Chợ Gạo cùng cho ý kiến về vụ việc. Chiều 27.3, UBND tỉnh tiếp tục có buổi làm việc với các sở, ngành và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang để bàn giải pháp cho việc xây dựng công trình này.

Giải pháp đưa ra là có thể chọn phương án "giữ nguyên tim tuyến và phạm vi giải phóng mặt bằng như hồ sơ thiết kế đã phê duyệt, điều chỉnh kéo dài chiều dài nhịp cầu (khoảng 50 mét) để dịch chuyển mố A của cầu không ảnh hưởng đến phần đá ốp lác gia cố bờ kênh của cống Xuân Hòa".

Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, phương án này phát sinh thêm chi phí ước tính hơn 10 tỉ đồng, nhưng về cơ bản không thay đổi gì so với thiết kế cũ. Điều đáng nói là phải mất thời gian, công sức làm lại hồ sơ, thủ tục để trình Bộ GTVT phê duyệt lại thẩm định chuyên ngành.

Ông Cao Tấn Hưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, cho biết: "Hiện nay, địa phương đã chi tiền đền bù cho các hộ dân bị giải tỏa và các hộ đã xây nhà mới ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng. Nếu mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng thì phải giải tỏa lần 2, vừa tốn thêm nhiều chi phí mà chúng tôi cũng không giải thích được với người dân".

Vấn đề bảo vệ hành lang an toàn cống Xuân Hòa, đảm bảo dòng chảy là cần thiết, song việc thi công cầu Xuân Hòa và công tác đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này cũng không kém phần quan trọng, tạo kết nối lưu thông giữa cầu Vàm Kỳ Hôn và tỉnh lộ 864. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang cần xem xét thấu đáo, thận trọng trong việc điều chỉnh, thay đổi phương án thiết kế công trình cầu Xuân Hòa. 

Mỹ Tho - VKK