Vì sao đội U.23 Việt Nam thua đậm ở Doha Cup?
Thể thao - Ngày đăng : 10:20, 28/03/2023
Cùng quay lại quá khứ để nhìn lại bóng đá Việt Nam (BĐVN) 5 năm qua. Đó là giai đoạn BĐVN thăng hoa dưới thời HLV Park Hang-seo, người đã xây dựng lối chơi phòng ngự phản công mà các tuyển thủ Việt Nam đã quen, đã thẩm thấu và đã thành công với chiến thuật phòng ngự vững chắc kết hợp chủ động phản công nhanh, hiệu quả.
Thế nhưng, HLV Gong Oh Kyun, người thay HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội U.23 lại có triết lý khác, ông đã sớm tuyên bố sẽ có sự khác biệt so với HLV Park. Đó là đội U.23 VN sẽ thể hiện lối chơi tấn công, áp đặt, gây áp lực lên đối phương, và U.23 VN dưới thời HLV Gong đã hòa U.23 Hàn Quốc 1-1 và giành vé vào tứ kết châu Á 2023.
Đầu năm 2022, HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt đội U.23 VN vô địch Đông Nam Á, rồi đưa đội U.19 VN vào vòng chung kết U.20 châu Á 2023 bằng phong cách kiểm soát bóng có xu hướng tấn công.
Nhưng khi VFF chọn HLV Hoàng Anh Tuấn thay HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt đội U.20 ở vòng chung kết U.20 châu Á 2023 thì HLV Anh Tuấn lại áp dụng chiến thuật phòng ngự số đông, phản công nhanh.
Khi HLV Philippe Troussier nhận trọng trách làm HLV trưởng đội U.22, U.23 và tuyển quốc gia Việt Nam thì quan điểm của ông lại là: phòng ngự phản công chỉ là một phần của bóng đá và sẽ áp dụng lối chơi này tùy đối thủ và thực tế diễn ra trên sân. Với ông Troussier, các cấp đội tuyển do ông phụ trách sẽ thể hiện lối chơi kiểm soát bóng, tấn công trước các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, nếu lấy từ thời điểm 2019 khi ông Troussier là HLV đội U.19 VN với phần lớn cầu thủ đang khoác áo đội U.23 VN hiện nay, BĐVN có đến 5 HLV gồm: Park Hang-seo, Đinh Thế Nam, Gong Oh Kyun, Hoàng Anh Tuấn và Philippe Troussier. Cả 5 HLV có triết lý bóng đá riêng nên xây dựng, áp dụng chiến thuật cũng khác nhau dẫn đến hậu quả: các cầu thủ phải làm lại từ đầu trước mỗi lần BĐVN có HLV mới.
Nói đơn giản hơn, Việt Nam là một nền bóng đá không có triết lý, không có bản sắc. Lỗi này trước tiên thuộc về người đứng đầu phụ trách chuyên môn của VFF và cụ thể hơn nữa là VFF không chọn được một giám đốc kỹ thuật (GĐKT) đúng nghĩa, không biết định hướng cũng như kiểm soát được công việc của GĐKT sao cho phù hợp với BĐVN.
GĐKT VFF như người vô hình
Đến năm 2016, VFF mới chính thức chi trả lương cho vị trí GĐKT và người đầu tiên là Jurgen Gede. Suốt 4 năm tại vị, GĐKT Gede chỉ làm mỗi công việc mà người ngoài nhìn vào ai cũng dễ dàng nhận ra là phát hiện các tài năng trẻ, theo dõi các đội U Việt Nam để tư vấn nhưng lại thiếu chuyên sâu cho HLV các cấp đội tuyển quốc gia. Những công việc của ông Gede rất mờ nhạt và "cuộc tình" với tên gọi GĐKT giữa VFF với Gede tan vỡ là cái kết được báo trước.
Tháng 7.2020, VFF lại ký hợp đồng với “thầy giáo” người Nhật Yusuke Adachi. Gọi ông là thầy giáo vì năng lực lõi của ông là đào tạo HLV từ bằng C đến Pro và hợp đồng làm GĐKT VFF của ông Adachi kết thúc vào ngày 31.1.2023. Ngay khi ông Adachi nhậm chức, ông đã phát biểu rằng: “30 năm tới tôi tin bóng đá Việt Nam có thể đánh bại Nhật Bản”.
Thế nhưng, hơn 2 năm làm GĐKT, gần 1/10 chặng đường BĐVN có thể vượt qua Nhật Bản như ông Adachi dự đoán, thì vai trò của ông Adachi lại càng mờ nhạt hơn người tiền nhiệm Gede. Thậm chí dù có lớp đào tạo HLV tại PVF, nhưng ông Adachi không bao giờ ra sân xem các giải U quốc gia được tổ chức ngay tại PVF - nơi ông giảng dạy. Bóng đá trẻ Việt Nam mà ông Adachi còn không quan tâm thì ông quan tâm đến cái gì ngoài công việc chính của một thầy giáo.
Từ khi chia tay ông Adachi, vị trí GĐKT VFF đang trống.
GĐKT Liên đoàn Bóng đá quốc gia là gì?
Khi Hans-Dieter Flick (hiện nay là HLV đội tuyển Đức) nhận làm GĐKT cho LĐBĐ Đức giai đoạn 2014-2017, chỉ trong hơn 3 tháng, Dieter Flick đã đi thăm 20/36 CLB chuyên nghiệp, trao đổi chi tiết với HLV ở các đội, rất thành thạo các phương pháp huấn luyện hiện đại, đặc biệt là các phương pháp và công cụ huấn luyện nhận thức cũng như xử lý thông tin của các CLB ở Đức. Quan điểm của ông Flick rất rõ: “Tôi phải làm sao để khi xem đội bóng thi đấu trên sân, người ta phải nhận ra đó là đội tuyển Đức”.
Hay như Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT). Sau giai đoạn các đội tuyển quốc gia Thái Lan sa sút ở đấu trường Đông Nam Á lẫn châu Á, tháng 6.2019, FAT đã bổ nhiệm cựu HLV đội trẻ Barca - ông Carles Romagosa - làm GĐKT. Trước đó, ông Romagosa từng là GĐKT của Paris Saint Germain - đội bóng của Messi, Mbappe, Neymar... hiện nay.
Khác với ông Adachi phát biểu cho đẹp lòng những nhà quản lý BĐVN, trong ngày nhận chức, GĐKT Romagosa nói rằng: “Các bộ phận cần có chung triết lý và theo đuổi duy nhất lối chơi từ các đội tuyển trẻ cho đến đội tuyển quốc gia. Để thực hiện được điều này, tất cả không chỉ nhìn cùng về một hướng đi lên mà trước hết chúng ta phải hiểu mọi thứ và làm việc cùng nhau lâu dài”.
Tóm lại, GĐKT giống như một kiến trúc sư, có trách nhiệm hoạch định chiến lược, công tác đào tạo, định hướng xây dựng, phát triển của một đội bóng, một nền bóng đá. GĐKT vừa là người đồng hành, vừa là người phục vụ, vừa là người giám sát công tác huấn luyện, thậm chí còn là người tham mưu cho ban lãnh đạo CLB cũng như là chỗ dựa cho VĐV. GĐKT cũng phải là người có tính cách mạnh mẽ, độc lập, có quan điểm riêng, rõ ràng và dám bảo vệ tư tưởng, triết lý của mình.
VFF lãng phí vị trí GĐKT
Nếu mục đích chọn GĐKT của FAT là muốn tái cấu trúc, xây dựng lại kế hoạch phát triển bóng đá Thái Lan khi nhận thấy bóng đá Thái đang đi chệch hướng thì VFF là gì? Giờ đây ai là người đủ khả năng, đủ tầm để trao đổi, tư vấn cho HLV Troussier?
Lấy ví dụ đơn giản. Tuấn Tài rất nổi bật dưới thời HLV Park Hang-seo khi anh đá vị trí hậu vệ. Nhiệm vụ của Tài là phòng thủ an toàn, và Tài đã xuất sắc với những đường chuyền dài vượt tuyến hay đường chuyền quyết định thành bàn rất hiệu quả. Lối chơi của Tài phù hợp với triết lý phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo.
Nhưng dưới thời HLV Troussier, Tuấn Tài được xếp đá trung vệ và phải chơi kiểm soát bóng, triển khai tấn công từ vị trí thủ môn, lối chơi hiện đại mà ngày nay đang được các CLB cũng như các đội tuyển hàng đầu thế giới áp dụng. Kết quả? Tài chưa quen và đã có không ít sai sót, trong đó có một lần anh đã khiến đồng đội phải nhận thẻ đỏ để rồi đội U.23 Việt Nam thua nhanh Iraq 3-0 do thiếu người.
Đó chỉ là một nét vẽ trong bức tranh tổng thể mà HLV Troussier đang vẽ cho BĐVN. Ông Troussier đúng hay chưa đúng?
Ông Park Hang-seo may mắn khi thế hệ U.23 đoạt á quân châu Á 2018 là những cầu thủ đã có những vị trí chính thức ở các CLB thi đấu tại V-League, khác rất xa so với lực lượng HLV Troussier đang có trong tay với đa số các cầu thủ chưa có được vị trí chính thức, thậm chí là chưa được khoác áo các CLB ở V-League.
Với lực lượng này, HLV Troussier xây dựng lối chơi kiểm soát bóng, gây áp lực tầm cao liệu có phù hợp? Nhưng nếu quay trở lại triết lý phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo thì sao khi mà 2 năm trở lại đây, lối chơi này không còn đem lại thành công cho BĐVN?
Dĩ nhiên chúng ta cần phải ủng hộ và dành thời gian cho HLV Troussier, nhưng những ai sẽ đồng hành với HLV Troussier để chia sẻ trọng trách nâng tầm vị thế BĐVN?
***
Có một thực tế, chất lượng của GĐKT phụ thuộc vào khả năng tài chính của các liên đoàn bóng đá. Nhiều nước sẵn sàng chi tiền mời các GĐKT có năng lực điều hành với nhiệm vụ được giao rất rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có một số liên đoàn chưa nhận ra đầy đủ vai trò của GĐKT khi "lãng phí" vị trí này qua việc bổ nhiệm người cho có.
Buồn thay, VFF đang ở vào trường hợp thứ 2.
Không phải ngẫu nhiên ngày 5.3.2023, Một Thế Giới đã có bài: Khi lãnh đạo VFF và VPF phụ trách chuyên môn lại điều hành như người không có chuyên môn.